Bị CSGT xử lý, học sinh tự thuê xe máy đến trường bật khóc 'sợ bố mẹ biết'
Muốn 'thể hiện' với bạn bè, nam sinh tự ý thuê xe đi chơi và khi bị CSGT dừng xe, xử lý thì bật khóc vì: 'bố mẹ cháu không biết việc này'.
CSGT cho tiền học sinh đi "xe ôm" về nhà
Ngày 23/11, Tổ Công tác Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 1, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh Quảng Ninh) làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát (TTKS) giao thông tại quốc lộ 18 thuộc phường Phương Đông, TP Uông Bí (Quảng Ninh).
Tổ phát hiện 3 nam sinh không đội mũ bảo hiểm (MBH) điều khiển xe gắn máy, không có giấy tờ xe theo quy định. Hỏi ra được biết, các cháu đều sinh tháng 5/2005 và đang học lớp 9 trường THCS Hồng Thái Đông, Tx Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Khi bị các chú CSGT tạm giữ phương tiện 7 ngày và yêu cầu về mời bố mẹ lên gặp công an để giải quyết. Cháu L.T.Đ (trú tại Tân Yên, Hồng Thái Đông, Tx Đông Triều) là người điều khiển phương tiện chở theo 2 bạn không đội MBH bật khóc nức nở: “Nếu bố mẹ biết sẽ bị ăn đòn. Các chú tha cho cháu...Với lại giờ cháu làm gì có tiền đi xe ôm về nhà”.
Thấy vậy, Đại úy Đỗ Minh Phương, cán bộ Đội CSGT số 1 vừa nhẹ nhàng phân tích, giải thích các cháu chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện cơ giới, không có GPLX vẫn tham gia giao thông, lại còn chở ba, không đội MBH là rất nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông. Nhà trường và bố mẹ các cháu cần phải biết các cháu đã có những hành vi nguy hiểm để cùng giáo dục, khuyên can các cháu. Và đây cũng là bài học cho các học sinh khác.
Sau đó, Tổ công tác đã cho các cháu mỗi người 20.000 đồng để đi xe "ôm" về nhà.
Không đội MBH vì sợ... hỏng tóc đẹp
Vừa giải quyết xong trường hợp vi phạm của cháu Đ., thì Tổ công tác tại phát hiện tiếp nam sinh L.V.H (SN 12/2005, trú tại Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công, Tp Uông Bí ) vi phạm điều khiển xe gắn máy 2 bánh.
Bị dừng xe, cháu H. cũng khóc: "Các chú tha cho cháu, đừng giữ xe của cháu, vì xe là cháu đi thuê".
Hỏi ra, bố mẹ H. không cho con đi xe máy. Vì cháu muốn "thể hiện" với bạn bè, nên tự ý thuê xe máy đi chơi. H. cho hay, đã thuê xe tại một cửa hàng ở phường Thanh Sơn, TP Uông Bí với giá 100.000 đồng/ngày và H. đã đưa tờ "Hợp đồng cho thuê xe" cho CSGT.
Rồi H. mếu máo:"Cháu đâu có biết dưới 16 tuổi không đủ tuổi điều khiển phương tiện xe gắn máy 2 bánh. Còn không đội MBH thì vì cháu sợ... hỏng tóc đẹp mà thôi. Bố mẹ cháu không biết việc này, các chú tha cho cháu".
Hai tháng, xảy ra 11 vụ TNGT do học sinh dưới 18 tuổi gây ra
Theo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, tình trạng học sinh, sinh viên (HSSV) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vi phạm trật tự ATGT và gây tai nạn giao thông (TNGT) đã và đang có chiều hướng gia tăng; tính chất các vụ TNGT do HSSV gây ra ngày càng phức tạp. Riêng 2 tháng 10 và 11/2020, toàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra 11 vụ TNGT do học sinh dưới 18 tuổi gây ra, làm chết 3 người, bị thương 11 người.
Đại úy Đỗ Minh Phương, Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: HSSV chưa được đào tạo, cấp GPLX, nhận thức về ATGT còn hạn chế, nhưng lại thích thể hiện, nếu điều khiển xe máy rất hay chạy tốc độ cao, không đội MBH, chở ba, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ... Khi phát hiện CSGT, các em thường lập tức quay đầu bỏ chạy... rất nguy hiểm.
"Lực lượng chức năng tăng cường TTKS, xử lý học sinh vi phạm giao thông. Nhưng các gia đình, nhà trường cũng cần quản lý tốt con em mình, không để các em điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi", đại úy Phương đề xuất.
Thượng tá Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh Quảng Ninh) khẳng định: Để kiềm chế, kéo giảm TNGT và chấn chỉnh tình hình vi phạm trật tự ATGT trong thanh, thiếu niên, học sinh, Phòng tham mưu Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh xây dựng Kế hoạch chuyên đề tăng cường TTKS và xử lý hành vi vi phạm về điều khiển xe mô tô, xe đạp điện, xe máy điện các tuyến đường bộ thuộc địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục, đào tạo, cấp học, trường học trên địa bàn, đa dạng hóa các hình thức giáo dục, phổ biến pháp luật về ATGT với nội dung phù hợp, cần thiết với lứa tuổi các em. Đồng thời, tổ chức cho thanh thiếu niên, HSSV ký cam kết thực hiện tốt các quy định của pháp luật về TTATGT khi tham gia giao thông. Cam kết với cha mẹ học sinh không giao phương tiện cho con em khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện....
"Ngoài ra, các cơ sở giáo dục và nhà trường cần thay đổi nhận thức, tư duy, tránh tình trạng chỉ vì bệnh thành tích... sợ ảnh hưởng đến thi đua, thành tích của nhà trường, nên mỗi khi có HSSV vi phạm về TTATGT lại tìm mọi giải pháp "hỗ trợ" để không bị nêu tên, lớp, trường... trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến hiệu quả xử lý vấn đề này gặp nhiều áp lực", Thượng tá Trung cho biết.
Do triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp, nên gần 1 tháng ra quân (từ đầu tháng 11/2020 đến nay), lực lượng CSGT Công an tỉnh đã xử lý 37 trường hợp thanh, thiếu niên, HSSV vi phạm các lỗi phổ biến là điều khiển xe mô tô, xe máy điện khi chưa đủ tuổi, không đội MBH, chở quá số người quy định, đi xe dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên…
Thiếu tá Võ Quang Hòa, Đội trưởng Đội CSGT - trật tự (Công an TP Hạ Long) cho biết, có những tối cao điểm, một buổi tối, Công an Tp Hạ Long đã xử lý tới 8-10 trường hợp HSSV vi phạm giao thông.