Bị cựu công an tống tiền tỉ, giám đốc ngân hàng muốn bỏ qua

VKS đề nghị tòa triệu tập giám đốc Agribank Chi nhánh 4 đến tòa làm rõ việc bị cựu cán bộ công an tống tiền. Nhưng trước đó ông này đã có đơn bãi nại.

Thông tin từ TAND TP.HCM, tòa đã lên quyết định mở phiên xét xử Nguyễn Thanh Don (SN 1983, cựu cán bộ công an) bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản vào tháng này.

Để đưa vụ án ra xét xử, VKS đề nghị TAND TP.HCM triệu tập nhiều người làm việc tại Agribank Chi nhánh 4 (CN 4) - TP.HCM. Cụ thể, ông Trần Văn Gấm (SN 1958, giám đốc), nạn nhân của vụ án, đến phiên tòa. Và triệu tập ông Lê Bá Thọ (Phó Phòng kiểm soát ), Trần Thị Mỹ Hương (nhân viên kho quỹ) đến phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.

Bị cáo Don bị truy tố theo điểm a khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt 12-20 năm tù. Theo VKS, hành vi của Don là nguy hiểm cho xã hội, đề nghị tòa xử nghiêm. Tuy nhiên, bị can Don có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình có công với cách mạng, bị hại có đơn bãi nại…, đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Don trong quá trình lượng hình.

Vậy cựu cán bộ công an (thuộc Cơ quan thường trực phía nam - Bộ Công an) đã dùng gì để tống tiền giám đốc ngân hàng.

Theo hồ sơ, Don sinh ra và lớn lên tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tháng 6-2006, Don tốt nghiệp ĐH An ninh nhân dân. Sau đó, Don về công tác tại Cục An ninh xã hội - Bộ Công an. Trong quá trình công tác tại đây, Don quen với ông Thọ và thông qua đây biết một số sai phạm của ông Gấm - Giám đốc Agribank CN4.

Ngay sau đó, Don gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa, yêu cầu ông Gấm đưa 3 tỉ đồng bỏ vào túi xách mang đến địa chỉ 258 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (Cơ quan thường trực phía nam - Bộ Công an). Những ngày tiếp đó, vào ngày 6 và 7-1-2018, Don gọi điện thoại, nhắn tin yêu cầu ông Gấm đưa tiền trước 1,5 tỉ đồng.

Ngày 8-1-2018, Don nhờ em họ Trần Duy Quang đến trước Cơ quan thường trực phía nam - Bộ Công an để thực hiện giao dịch với ông Gấm. Khi đang thực hiện giao dịch thì Quang bị công an bắt giữ. Khi biết em họ bị bắt, Don tiêu hủy tất cả chứng cứ nhằm qua mặt cơ quan điều tra.

Sau hơn chín tháng điều tra, Don bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố và bắt giam về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tại cơ quan điều tra, Don thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Còn ông Thọ khai ông công tác tại Agribank CN 4 và chính ông là người cung cấp các tài liệu liên quan tới sai phạm của ông Gấm cho Don. Theo ông, mục đích của ông nhằm gây bất lợi, tổn hại về uy tín và vật chất cho ông Gấm. Ông Thọ đưa cho Don các tài liệu gồm một đơn tố cáo ghi tên Lê Bình, biên bản làm việc đợt 2 tại Agribank CN4. Biên bản làm việc là do ông Thọ có được trong quá trình công tác tại đây, còn đơn tố cáo do bà Hương đưa cho ông Thọ. Ông Thọ thừa nhận cả ông và bà Hương đều có mâu thuẫn với ông Gấm.

Bà Hương khai nhận do mâu thuẫn với ông Gấm và biết những sai phạm của ông Gấm trong quá trình làm giám đốc nên bà làm đơn tố cáo trên.

Cơ quan điều tra cho rằng ông Thọ và bà Hương không bàn bạc, không thống nhất ý chí với Don trong việc thực hiện hành vi phạm tội nên không có căn cứ xem xét. Quá trình điều tra, công an thu giữ một tập tài liệu Don dùng để tống tiền ông Gấm. Bên ngoài ghi chữ Trần Văn Gấm (sinh năm 1958, Giám đốc Ngân hàng Agribank CN4). Trang số 2-3 đơn tố cáo sai phạm trong hoạt động cho vay tại Agriank CN4, ký tên Lê Bình, trang số 4-5 biên bản làm việc đợt 1 có chữ ký của đương sự và điều tra viên (không ghi rõ họ tên), từ trang số 6 -10 là biên bản làm việc đợt 2 tại Agribank CN4 (bản phôtô), kết thúc có đóng dấu và ký tên Phạm Văn Chánh (Phó Giám đốc Agribank CN4).

Được biết sau khi vụ án xảy ra hơn một tháng thì ông Gấm có quyết định nghỉ hưu.

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/bi-cuu-cong-an-tong-tien-ti-giam-doc-ngan-hang-muon-bo-qua-862899.html