Bị đe dọa, trạm vũ trụ khai hỏa trước khi tàu Nga - Mỹ đến
Ngay trước khoảnh khắc tàu Nga Progress 85 và tàu Mỹ SpaceX Crew-7 Dragon ghép nối, một mảnh vỡ không gian đã đe dọa Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Theo SciTech Daily, các nhà điều hành ISS khẳng định thao tác "khai hỏa động cơ trong 21,5 giây để bay đi khỏi vị trí cũ một chút" không ảnh hưởng đến cuộc gặp gỡ của trạm với hai tàu vũ trụ nói trên.
Đến thời điểm này, tàu Progress 85 đã ghép nối thành công với trạm vũ trụ, còn tàu SpaceX Crew-7 Dragon dự kiến sẽ cập bến và bắt đầu lắp ghép với ISS vào lúc 8 giờ 39 phút ngày 27-8 theo giờ miền Đông nước Mỹ, tức 20 giờ 39 phút cùng ngày theo giờ Việt Nam.
Tàu Progress 85 và SpaceX Crew-7 Dragon lần lượt thuộc sở hữu của Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) và Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Tàu Nga là tàu chở hàng mang theo nhiều hàng hóa tiếp tế và vật tư phục vụ công tác khoa học trên trạm vũ trụ.
Trong khi đó, sứ mệnh mà NASA thực hiện là sử dụng tàu của công ty vũ trụ tư nhân SpaceX để đưa lên ISS một phi hành đoàn quốc tế, dẫn đầu bởi nữ chỉ huy Jasmin Moghbeli của cơ quan hàng không vũ trụ này. Cô là người Mỹ gốc Iran, Trung tá Thủy quân lục chiến Mỹ.
Ngoài chỉ huy Moghbeli còn có 3 nhà khoa học khác trên tàu, bao gồm cơ trưởng Andreas Mogensen từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), hai phi hành gia Konstatin Borisov của Roscosmos và Satoshi Furukawa của Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản.
Phi hành đoàn của sứ mệnh Crew-7 lần này sẽ thay thế cho 4 phi hành gia khác trong sứ mệnh Crew-6 của NASA, theo tờ Space.
NASA cho biết tàu của họ dự kiến sẽ bay quanh trạm vũ trụ trước khi ghép nối và chụp một số bức ảnh gửi về Trái Đất.
Đây không phải lần đầu sự cố này xảy ra. Trước đó, vào tháng 3-2023, một vật thể không gian khác đã gây ra mối đe dọa tương tự, khiến tàu Nga Progress 83 đang ghép nối để chuyển hàng tiếp tế phải khai hỏa đẩy cả tổ hợp "di dời khẩn cấp".
Cuộc "sơ tán" trên không mới nhất diễn ra trong ngày 24-8, chỉ vài giờ trước khi việc lắp ghép của tàu Nga diễn ra. Rất may mắn, cuộc ghép nối đã hoàn toàn ổn thỏa.
Mối đe dọa từ mảnh vỡ không gian những năm gần đây đã trở thành nỗi ám ảnh lớn của các "sứ mệnh không gian". Nguồn gốc chính của các mảnh vỡ là rác không gian - tàn dư của những tàu vũ trụ, vệ tinh cũ của con người.