Bị điếc do dùng thuốc nhỏ tai polydexa sai cách
Polydexa là thuốc nhỏ tai có tác dụng rất tốt với viêm ống tai ngoài, nhưng lại là thuốc dễ gây ngộ độc tai trong. Nếu lạm dụng có thể dẫn đến điếc...
1. Bị điếc sau khi dùng thuốc nhỏ tai
Anh Nguyễn Việt Hoàng (Hà Nội), đi bơi bị nước vào tai khiến tai bị viêm, ù tai rất khó chịu. Anh tự ra hiệu thuốc mua lọ thuốc nhỏ tai polydexa về điều trị. Sau vài hôm dùng thuốc, tình trạng không đỡ mà còn thêm trầm trọng. Anh cảm thấy chóng mặt và suy giảm thính lực. Đi khám bệnh, anh mới biết bị điếc đột ngột do dùng thuốc nhỏ tai polydexa.
BS. Hoàng Mai Phương (Trung tâm Bác sĩ Gia đình Hà Nội) cho biết, polydexa là thuốc nhỏ tai, chỉ định trong trường hợp bị viêm ống tai ngoài do vi khuẩn, nhưng thuốc có thể gây độc dẫn đến bị điếc nếu dùng trong trường hợp màng nhĩ bị thủng Với bệnh nhân Hoàng, không biết tình trạng viêm tai của mình như thế nào đã tự ý mua thuốc đã dẫn đến tình trạng trên.
Các triệu chứng của điếc do thuốc không dễ xác định. Chúng có thể xuất hiện ngay sau lần dùng thuốc đầu tiên, nhưng có thể xuất hiện muộn, thậm chí là khi đã sử dụng hết cả liều điều trị. Do vậy, không nên sử dụng thuốc nhỏ tai một cách bừa bãi.
2. Vì sao thuốc nhỏ tai polydexa gây điếc?
Thuốc nhỏ tai polydexa có các thành phần chính là kháng sinh như neomycin sulfate, polymyxin B sulphate và kháng viêm như dexamethasone natri metasulphobenzoate...
Việc phối hợp hai kháng sinh này giúp mở rộng phổ kháng khuẩn trên các mầm bệnh là tác nhân gây các nhiễm trùng ở ống tai ngoài và ở tai giữa.
Tuy nhiên do hai loại kháng sinh này rất độc với thần kinh thính giác nên chỉ dùng trong các trường hợp bệnh lý chỉ khu trú ở ống tai ngoài (viêm ống tai ngoài) hoặc viêm tai giữa cấp chưa thủng màng nhĩ (màng nhĩ còn nguyên vẹn). Nếu tai bị xây xước hoặc thủng màng nhĩ, hoạt chất trong thuốc có thể được hấp thu và gây ra tình trạng điếc đột ngột.
Do đó, thuốc chống chỉ định với các trường hợp:
Dị ứng với neomycin, dexamethasone, polymyxin B hay bất kỳ thành phần tá dược nào được nêu ở phần trên của thuốc.
Bệnh nhân bị thủng màng nhĩ.
Tai ngoài bị nhiễm virus (điển hình như thủy đậu hoặc Herpes).
Do đó, trước khi dùng thuốc phải kiểm tra sự nguyên vẹn màng nhĩ. Để làm được điều này, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng với các dụng cụ, thiết bị chuyên dụng soi tai mới kiểm tra và đánh giá được. Do đó cẩn phải đi khám bệnh và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
3. Cách nào sử dụng thuốc an toàn?
Để dùng thuốc an toàn người bệnh nên:
- Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Khi nhỏ tai chú ý cần thận không để ngón tay hoặc tai chạm vào đầu ống nhỏ giọt để giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Sau 10 ngày điều trị mà tình trạng bệnh không cải thiện, nên đi khám lại để đánh giá tình trạng bệnh và điều chỉnh thuốc phù hợp.
- Ngưng sử dụng thuốc ngay nếu gặp phải phát ban hoặc bất kỳ triệu chứng khác lạ nào sau khi nhỏ thuốc.