Trong một bức thư được công bố trên trang web hoàng gia hôm 3-8, cựu quốc vương Juan Carlos nói với con trai mình là Vua Felipe VI rằng ông sẽ rời khỏi Tây Ban Nha do bị công khai chuyện đời tư trong quá khứ.
Thực tế, cựu quốc vương Juan Carlos đang là mục tiêu của các cuộc điều tra chính thức ở Tây Ban Nha và Thụy Sĩ về các sai phạm tài chính có thể xảy ra.
Thông báo của cựu quốc vương khiến hầu hết người Tây Ban Nha bất ngờ. Cả hoàng tộc lẫn chính phủ đều không tiết lộ ông sẽ đi đâu.
Nhật báo ABC ngày 4-8 đưa, cựu quốc vương Juan Carlos rời Tây Ban Nha vào chủ nhật và bay qua Porto, nước láng giềng Bồ Đào Nha rồi đến Cộng hòa Dominican. Tờ La Vanguardia cũng cho biết ông Juan Carlos đang ở quốc gia vùng Caribbean, nhưng chỉ là tạm thời.
Nhưng tờ El Confidencial lại đoán rằng, ông có thể ở Bồ Đào Nha - nơi ông sống một phần thời thơ ấu hoặc ở Pháp, Ý vì gia đình và bạn bè ông ở đó.
Cựu hoàng 82 tuổi được cho là đã giúp Tây Ban Nha khôi phục nền dân chủ sau cái chết của nhà độc tài Francisco Franco năm 1975. Tuy nhiên, những năm cuối cầm quyền của ông lại xảy ra bê bối.
Nhà vua Juan Carlos thoái vị vào năm 2014 và mất quyền miễn trừ truy tố mà Hiến pháp của Tây Ban Nha cấp cho nguyên thủ quốc gia.
Sau thông báo của cựu hoàng Juan Carlos, một số người kêu gọi bãi bỏ chế độ quân chủ Tây Ban Nha. Đảng chính trị cánh tả Unidas Podemos đề nghị tranh luận công khai về việc thành lập nước cộng hòa vì “không có lý do gì để tiếp tục ủng hộ một chế độ quân chủ không có các tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu”
Dư luận Tây Ban Nha cũng có ý kiến trái chiều về vấn đề này. “Lẽ ra không nên để ông ấy ra đi. Ông ấy nên ở lại, trả lại tiền và ngồi tù giống như tất cả người Tây Ban Nha nếu vi phạm pháp luật”, Sara Fernandez, một nhân viên bảo hiểm 38 tuổi.
Cũng có người thận trọng hơn, cho rằng không nên phán xét cựu hoàng nếu không có bất kỳ bằng chứng nào. Quan trọng là phải điều tra đúng hay sai thế nào.
Luật sư của ông Juan Carlos cho biết, mặc dù sống ở nước ngoài nhưng thân chủ ông sẵn sàng hợp tác với cuộc điều tra. Thực tế, ông Juan Carlos không thể bị xét xử vì những sai phạm diễn ra khi ông còn trị vì nhưng có thể đối mặt với các cáo buộc liên quan sau năm thoái vị 2014.
Văn phòng công tố viên Tây Ban Nha hồi tháng 6 cho biết, họ đang điều tra xem liệu ông Juan Carlos có nhận hàng triệu USD tiền lại quả trong quá trình một tập đoàn Tây Ban Nha xây dựng tuyến đường sắt cao tốc ở Saudi Arabia hay không.
Kể từ đó, các phương tiện truyền thông Tây Ban Nha đã tiết lộ, một cuộc điều tra riêng của Thụy Sĩ cho thấy nhà vua đã nhận một số tiền lớn từ nhà vua Saudi Arabia Abdullah.
Cựu hoàng Juan Carlos bị cáo buộc bí mật chuyển tiền cho một người bạn là Corinna Larsen, nữ doanh nhân người Đức gốc Đan Mạch. Các công tố viên Tây Ban Nha đã đề nghị bà này ra làm chứng ở Madrid vào tháng 9 tới.
Vậy là cựu hoàng Juan Carlos, một thời từng được coi là “người hùng” của Tây Ban Nha - đã bị hủy hoại danh tiếng chỉ vì scandal tài chính lúc cuối đời.
Hải Yến (Theo AP)