Bị đơn muốn hỏi trong phần tranh luận được không?
Hôm nay (20-8), TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt
Nguyên đơn là họa sĩ Lê Phong Linh (Lê Linh) và bị đơn là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật và phát triển tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.
Trước đó, ngày 16-7, TAND TP.HCM đã kết thúc phần hỏi. Phiên tòa mở lại vào ngày 29-7 nhưng hoãn do vì họa sĩ Lê Linh bị bệnh. Hôm nay, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.
Tại tòa, đại diện bị đơn là ông Nguyễn Vân Nam cho rằng cho đến nay, ông Linh không chứng minh được mình là người trực tiếp và một mình vẽ nên các hình tượng, không chứng minh được dấu ấn cá nhân trên các hình tượng này.
Muốn hỏi trong phần tranh luận
Theo ông Nam, trong phần hỏi đáp, nguyên đơn nói về việc suy luận về quyền tác giả, ông muốn hỏi nguyên đơn về vấn đề này. HĐXX ngắt lời vì cho rằng đây là phần tranh luận, phần xét hỏi đã kết thúc.
Ông Nam hỏi HĐXX là ông có được tự do, tự chủ tranh luận hay không? Nếu tranh luận mà không được hỏi đáp thì ông không tranh luận. HĐXX giải thích theo quy định của tố tụng dân sự, phiên tòa có phần thủ tục, xét hỏi, tranh luận. Nếu ông Nam muốn quay lại phần hỏi ông có quyền đề nghị để HĐXX xem xét.
Ông Nam vẫn cho rằng phần tranh luận bao gồm hỏi, hỏi là một phần của tranh luận, nếu không được hỏi thì ông không tranh luận. HĐXX nói nếu ông vẫn đề nghị hỏi thì HĐXX không chấp nhận. Ông Nam khẳng định ông muốn hỏi trong tranh luận chứ không đề nghị quay lại phần hỏi.
Lúc này, HĐXX đọc Điều 260, 305 BLTTDS cho ông Nam nghe và giải thích phần tranh luận không có hỏi, đáp nên HĐXX sẽ căn cứ vào BLTTDS để tiến hành phiên tòa. HĐXX giải thích thêm là HĐXX không hạn chế thời gian tranh luận nhưng không được nhắc lại những nội dung đã tranh luận.
Muốn tranh luận từng phần?
Theo ông Nam, nội quy phiên tòa là phải tôn trọng HĐXX. Luật sư phía ông Linh nói những từ có tính chất không tôn trọng HĐXX nhưng HĐXX không nhắc nhở nên ông không biết ông có được nói những lời tương tự như từ "quái thai" mà luật sư bên kia đã từng sử dụng hay không? Đáp lời, HĐXX cho rằng ông phải trình bày thì HĐXX mới xem xét được và ông không được quyền hỏi HĐXX.
Ông Nam muốn trình bày từng phần một. Luật sư bảo vệ cho ông Linh không đồng ý tranh luận từng vấn đề, đề nghị luật sư của bị đơn cứ trình bày hết rồi tranh luận từng vấn đề. Lúc này, HĐXX đề nghị ông Nam trình bày hết một lượt.
Ông Nam cho rằng ông Linh không nói lên được phong cách, dấu ấn cá nhân với bốn nhân vật thì không thể là tác giả. Về các bản thảo ông Linh đã cung cấp cho tòa, ông Nam cho rằng không có cơ sở các bản thảo này do ông Linh vẽ khi những bản thảo này chỉ là bản sao.
Cũng theo ông Nam, không có bằng chứng nào những hình vẽ này dùng cho bộ truyện Thần đồng Đất Việt. Về quyền làm tác phẩm phái sinh, nguyên đơn thừa nhận biến thể không có trong luật nên ông đề nghị phải làm rõ biến thể có phải là tác giả phái sinh hay không? Ông Nam cũng cho rằng cần triệu tập Cục Bản quyền tác giả tham gia.
Phải áp dụng công ước Berne?
Đối đáp, luật sư của ông Linh cho rằng Cục Bản quyền đã có văn bản nói rõ nếu phán quyết của tòa cho rằng việc cấp giấy là sai thì Cục sẽ thu hồi. Việc triệu tập Cục bản quyền chỉ làm kéo dài vụ việc và không cần thiết. Công ước Berne là điều ước đa phương đã được Việt Nam tham gia, Nếu Luật Việt Nam không quy định hoặc chưa có quy định trong khi công ước có quy định thì sẽ được áp dụng.
Theo luật sư của ông Linh, bà Hạnh là người không biết vẽ nhưng lại cho rằng bà hình dung, định hình ra các hình tượng; cũng không thể kiểm chứng hình ảnh trong đầu bà Hạnh là như thế nào. Bằng lời nói thì làm sao có thể mô tả chính xác để họa sĩ vẽ lại đúng ý. Giả sử ông Linh vẽ theo mô tả của bà Hạnh thì ông Linh vẫn là tác giả vì ông Linh là người đã định hình và vẽ ra các nhân vật này.
Luật sư của ông Linh nhấn mạnh công ước Berne không có thuật ngữ dấu ấn cá nhân. Luật Việt Nam chứng minh tính nguyên gốc chứ không có dấu ấn cá nhân. Tính nguyên gốc là phải độc lập sáng tạo trong khi trong vụ án này bà Hạnh thừa nhận ông Linh có sáng tạo nên tác phẩm.
Nói về việc người ghi lại bài thơ theo lời nói của người khác thì ai là tác giả? Theo Luật sư của ông Linh, đây là tác phẩm ngôn ngữ tức ngôn ngữ đã định hình xong trong đầu thì người viết chỉ là người chép lại, không phải là tác giả là đúng. Nhưng đối với tác phẩm tạo hình thì khác, người góp ý cho người khác vẽ thì không phải là tác giả. Trên thế giới không có tác phẩm hội họa nào có đồng tác giả đối với cả người góp ý. Nếu hôm nay HĐXX tuyên đồng tác giả thì đây là "tiếng bom chấn động thế giới".
Tại tòa, ông Linh đưa ra các bản gốc các bản thảo cho HĐXX và cho rằng những bản gốc này ông đã giữ suốt nhiều năm nay.
Phải thể hiện dấu ấn cá nhân?
Ông Nam còn cho rằng bản thân nguyên đơn không biết được tác phẩm nào để áp dụng việc suy đoán quyền tác giả. Nếu là bốn nhân vật thì tên ông Linh phải được thể hiện trên bốn hình tượng chứ không phải của cả bộ truyện Thần đồng Đất Việt. Nhưng điều quan trọng là ông Linh không thể hiện được dấu ấn cá nhân hay phong cách.
Ông Linh phản bác rằng bị đơn yêu cầu ông phải nói rõ phong cách của ông là không cần. Vì ông Linh ông không đóng khung mình phải vẽ như mắt, mũi,... như thế nào. Ông có nhiều phong cách vẽ khác nhau.
Tại tòa, bà Hạnh cho rằng bà không phải là người góp ý hay "chỉ tay 5 ngón" mà là người công bố tác phẩm, đã có sự đồng ý của ông Linh, nói bà mạo danh, không làm gì là không đúng. Ông Linh đã ký, đã đồng thuận nhưng năm năm sau lại phản bác là vô lý. Bà Hạnh cũng đề nghị làm rõ nếu chỉ tranh chấp bốn nhân vật vậy truyện Thần đồng Đất Việt là gì? Tập 79 ngừng lại công ty không được sử dụng vậy quyền sử hữu của ông ty là như thế nào?
Kết thúc phần tranh luận, VKS đề nghị tạm dừng phiên tòa để có thời gian chuẩn bị cho phần phát biểu quan điểm. HĐXX đồng ý và thông báo phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày ngày 27-8.
Họa sĩ Lê Linh thắng kiện ở sơ thẩm
Trước đó, xử sơ thẩm vào ngày 18-2, TAND quận 1, TP.HCM đã tuyên bố công nhận quyền tác giả thuộc về họa sĩ Lê Linh. Vì ông này là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm.
Theo HĐXX, phía Công ty Phan Thị trình bày là đã “cầm tay chỉ cho ông Linh vẽ” các ý tưởng nhân vật về các hình tượng là của bị đơn. Tuy nhiên, để được pháp luật bảo hộ quyền tác giả thì tác phẩm phải được sáng tạo, thể hiện dưới một hình thức nhất định. Trong khi ngoài ông Linh ra thì không có ai tham gia sáng tạo bốn hình tượng nhân vật này. Từ đó, HĐXX cho rằng có căn cứ công nhận ông Linh là tác giả của Thần đồng Đất Việt.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/bi-don-muon-hoi-trong-phan-tranh-luan-duoc-khong-853088.html