Bị giảm trí nhớ sau 2 năm đại dịch

Cuộc sống một màu, dậm chân tại chỗ vì Covid-19 khiến ký ức của nhiều người nhạt nhòa kèm theo sự mệt mỏi, khó tập trung.

"Khi phải điền một lá đơn có câu hỏi về tuổi tác, tôi phải mất khá lâu mới nhớ ra mình đã bao nhiêu tuổi", Lauren Bendik (sống tại Los Angeles, Mỹ) chia sẻ với The Washington Post.

31 tuổi chăng? Không, cô đã 32 rồi. Hai lần sinh nhật nhạt nhòa như đã hòa lại làm một. Thật khó để phân biệt giữa hai năm vừa qua.

"Thông thường, tôi có ký ức khá tốt về thời gian và có thể nhớ các sự kiện xảy ra khi nào", Bendik nói. Nhưng sau khi cô mất công việc nhân viên công tác xã hội, mọi ngày đều trôi qua như nhau.

"Từ đó, tôi không còn gì để đánh dấu thời gian. Đại dịch chẳng biết khi nào kết thúc. Tôi cảm thấy mình đang chờ đợi điều gì đó nhưng nó sẽ không bao giờ đến", Bendik chia sẻ.

 Đại dịch khiến nhiều người mất cảm giác về thời gian, ký ức nhạt nhòa. Ảnh: The Washington Post.

Đại dịch khiến nhiều người mất cảm giác về thời gian, ký ức nhạt nhòa. Ảnh: The Washington Post.

Cuộc sống nhạt nhòa

Với Gabriela Barge (28 tuổi), người tổ chức tiệc cưới cao cấp, 2019 vẫn cảm giác như năm ngoái. Một số khách hàng của cô đã dời lịch cưới 3 lần. Cô phải chuẩn bị đám cưới cho những cặp vợ chồng ấy suốt năm 2020, 2021 và giờ là 2022.

Vào mùa xuân năm 2020, Alexandra Lange đang hoàn thiện dự án sách về lịch sử của trung tâm mua sắm thì đại dịch ập đến và khiến mọi việc đình trệ. Cô phải hủy chuyến đi nghiên cứu tại New Jersey (Mỹ).

Một năm sau, vào tháng 5/2021, Lange cuối cùng cũng thực hiện được chuyến đi. Dù đại dịch đã bớt nghiêm trọng, hậu quả của nó vẫn khiến việc kinh doanh bấp bênh. Nhiều cửa hàng chưa thể mở lại.

Khi viết lại trải nghiệm của mình trong cuốn sách, Lange để mốc thời gian là tháng 5/2020. Cô cùng các biên tập viên đều không nhận ra lỗi này cho đến khi người soát chính tả đọc lại lần cuối và chỉ ra điểm vô lý.

Nghiên cứu vào tháng 9/2021 với 150 sinh viên nữ tại một trường đại học ở Italy cho thấy sự suy thoái rõ rệt ở cả trí nhớ ngắn hạn (working memory) và trí nhớ tương lai (prospective memory) trong đại dịch Covid-19.

Các nhà tâm lý học nghiên cứu về cách ký ức hình thành không ngạc nhiên trước sự mờ nhạt của trí nhớ mà nhiều người trải qua trong thời gian này.

 Khi mọi ngày trôi qua như nhau, trí nhớ dần mờ nhạt. Ảnh: Unsplash.

Khi mọi ngày trôi qua như nhau, trí nhớ dần mờ nhạt. Ảnh: Unsplash.

“Sự khác lạ giúp cải thiện trí nhớ”, giáo sư tâm lý học Daniel Schacter, công tác tại Đại học Harvard, cho biết.

Khi ngày nào cũng trôi qua như nhau, có thể vì thất nghiệp hoặc chăm con nhỏ, ta mất khả năng phân biệt các sự kiện và trí nhớ bị suy giảm.

"Chúng ta không phân các sự kiện ra từng giai đoạn hay tách biệt chúng khỏi nhau. Điều đó gây ra cảm giác ký ức lộn xộn", giáo sư Schacter nói.

Di chứng hậu Covid-19

Ngoài hệ quả của cuộc sống trong đại dịch, trí nhớ kém cũng là di chứng sau khi nhiễm virus nCoV. Chimere Smith từng có trí nhớ sắc bén trước khi mắc Covid-19 vào tháng 3/2020. Dù không phải nhập viện hay bị sốt, cô dần cảm thấy trí nhớ suy giảm, kèm theo sự mệt mỏi, khó tập trung.

Suốt nhiều tuần, cô thức dậy trong phòng và không nhớ nổi mình đang ở đâu. Khi gia đình gọi đến hỏi thăm, cô nhìn tên họ trên màn hình và mất một lúc lâu để nhớ ra đó là ai.

Đôi khi, những ký ức về bản thân cô cũng lu mờ. “Mình tên gì? Sinh nhật mình là ngày nào? Mình làm nghề gì? Mình là ai? Tôi chẳng thể nhớ được”, Smith kể lại.

Là một giáo viên, cô tự hào vì không chỉ nhớ rõ những bài giảng mà còn biết tên từng học sinh của mình. Giờ đây, cô thậm chí không nhớ cách chấm bài.

"Những điều từng khiến tôi cảm thấy nghề nghiệp của mình đặc biệt đã mất đi. 2 năm sau, tôi vẫn chưa thể lấy lại những ký ức ấy”, cô nói.

 Mất ký ức là một trong những di chứng hậu Covid-19. Ảnh: The Irish Times.

Mất ký ức là một trong những di chứng hậu Covid-19. Ảnh: The Irish Times.

Smith được kê thuốc tăng cường trí nhớ tại Bệnh viện Johns Hopkins. Dù tình trạng cải thiện một phần, cô vẫn thỉnh thoảng quên tắt vòi nước hoặc để giày trong nhà vệ sinh vì quên mất vị trí cần đặt chúng.

Do không thể trở lại dạy học, Smith quyết định hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi di chứng hậu Covid-19, nhất là cộng đồng da màu.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta chưa dành đủ sự chú ý tới khía cạnh suy giảm trí nhớ sau Covid-19. Ta đang tạo ra một lực lượng lao động nơi mọi người không thể làm việc”, Smith nói.

Mariam Aly, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Columbia, cho biết: "Chứng suy giảm nhận thức ở những người từng mắc Covid-19 là điều đáng báo động. Khi phần lớn dân số gặp phải vấn đề này, chúng ta cần lo ngại trước tình hình những năm tới bởi ngày càng nhiều người cần được chăm sóc hơn".

Dù không mắc Covid-19, Cae Farrington (24 tuổi, sống tại Florida, Mỹ) đang nỗ lực để không bị suy giảm trí nhớ. Là họa sĩ minh họa, Farrington gặp khó khăn với việc ghi nhớ từ tháng 8/2020.

"Sau thời gian dài sống với đại dịch và ở trong nhà, tôi tự hỏi liệu việc này có tác động lâu dài hay không? Liệu nó có gây ra điều gì ảnh hưởng tôi lúc về già?", Farrington băn khoăn.

 Ký ức nhạt nhòa cũng có thể là điều tốt trong thời gian đau thương vừa qua. Ảnh: Unsplash.

Ký ức nhạt nhòa cũng có thể là điều tốt trong thời gian đau thương vừa qua. Ảnh: Unsplash.

Những năm tháng đại dịch đang ảnh hưởng đến ký ức, khiến ta quên mất tuổi tác hoặc thậm chí bản thân mình là ai. Tuy vậy, với những người trải qua chấn thương tâm lý trong đại dịch như ốm thập tử nhất sinh, gia đình, bạn bè qua đời, hay gặp biến động tài chính, họ sẽ không có đặc quyền để được quên đi.

Việc có ký ức nhạt nhòa về thời gian này lại có thể là điều may mắn.

"Phần lớn lịch sử là về sự quên lãng vì cả lý do tốt và xấu. Nhiều người sẽ muốn ký ức về thời gian qua được thu nhỏ nhất có thể", Lange, tác giả sách, chia sẻ.

Mai Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-giam-tri-nho-sau-2-nam-dai-dich-post1291286.html