Bị hacker tấn công, Acala mất 95% giá trị và có thể trở thành LUNA mới

Sau khi gặp sự cố nghiêm trọng, giá đồng AUSD của Acala đã mất mốc 1 USD. Thông tin này khiến nhiều người liên tưởng đến sự cố LUNA từng làm rung động thị trường tiền mã hóa.

Hồi tháng 4/2022, thị trường crypto đã chứng kiến một đại thảm họa với sự cố bất ngờ của LUNA (Terra) - đồng tiền mã hóa trong top 10 về giá trị vốn hóa.

Ở thời điểm đó, đồng UST vốn có giá trị 1 USD của LUNA đã bị “de-peg”. Đây là thuật ngữ nói về việc một token không còn giữ được tỷ giá đã thiết lập cố định trước đó trên một loại tiền tệ.

Thuật toán cân bằng giữa LUNA và UST biến động mạnh khiến cả hai loại tiền số mất gần hết giá trị. Hậu quả là cả hệ thống vốn từng rất được tin tưởng của Terra bị sụp đổ. Sự cố cũng kéo đổ cả niềm tin của thị trường và khiến giá Bitcoin giảm mạnh.

Những sự cố mất "de-peg" luôn gây ra tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư tiền mã hóa. (Ảnh minh họa)

Những sự cố mất "de-peg" luôn gây ra tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư tiền mã hóa. (Ảnh minh họa)

Những tưởng bóng ma “de-peg” đã tạm thời lắng xuống, thế nhưng nó lại quay trở lại một lần nữa khi AUSD - stablecoin của hệ sinh thái Acala đang gặp sự cố tương tự.

Theo đó, trong sáng nay, một giao dịch bất thường đã xuất hiện trên mạng lưới của Acala. Thông tin ban đầu cho thấy đây nhiều khả năng là một vụ khai thác của các hacker nhắm vào lỗ hổng của hệ sinh thái này.

Trước những đồn đoán của người dùng, nhóm phát triển Acala sau đó cũng đã phải lên tiếng xác nhận trang twitter chính thức của mình.

Chúng tôi vừa phát hiện lỗ hổng với giao thức Honzon gây ảnh hưởng đến đồng AUSD. Chúng tôi đã thông qua một đề xuất khẩn cấp để ngưng hoạt động Acala nhằm điều tra và xử lý sự cố. Chúng tôi sẽ nhanh chóng báo cáo về vụ việc sau khi mạng lưới trở lại hoạt động bình thường", Acala chia sẻ.

Ngay sau khi xuất hiện thông tin này, giá AUSD đã giảm mạnh, mất mốc 1 USD và có thời điểm tụt về 0,05 USD, tương đương mất 95% giá trị. Đây là một cú sốc khiến thị trường mã hóa ngay lập tức liên tưởng đến câu chuyện của LUNA trước kia.

Sự cố với Acala đã khiến giá đồng AUSD của hệ sinh thái này có thời điểm mất tới 95% giá trị. (Ảnh: Trọng Đạt)

Sự cố với Acala đã khiến giá đồng AUSD của hệ sinh thái này có thời điểm mất tới 95% giá trị. (Ảnh: Trọng Đạt)

Tính đến thời điểm hiện tại, có vẻ như nhóm phát triển Acala đã tạm thời kiểm soát được tình hình khi mức giá AUSD đã được đẩy về mức 0,8 USD. Mặc dù vậy, đồng stablecoin này hiện vẫn đang mất tới 20% giá trị.

Trước vụ việc này, trong năm 2022, có khoảng 5 vụ “de-peg” diễn ra. Lịch sử đã chứng minh, mỗi lần có một sự việc như vậy đều gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới cả thị trường tiền mã hóa. Do vậy, khi vụ việc tương tự với Acala xảy ra, cộng đồng tiền mã hóa lại lo sợ sẽ lại có một chuỗi domino sụp đổ liên hoàn như những gì đã từng xảy ra trước đó.

Với những người đang nắm giữ tiền mã hóa, cần hết sức thận trọng trong thời điểm nhạy cảm này. Đây là giai đoạn lòng tin của cả thị trường đang suy yếu. Bất cứ sự cố nào xảy ra cũng có thể gây tác động xấu và phản ánh trực tiếp lên giá của những đồng tiền mã hóa trên thị trường.

Trọng Đạt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bi-hacker-tan-cong-acala-mat-95-gia-tri-va-co-the-tro-thanh-luna-moi-2049525.html