Bi hài chuyện thuê trọ khoảng 2m2, hộp ngủ có thực sự phù hợp với người dân?
Mô hình hộp ngủ đang dần nở rộ tại các thành phố lớn, nhiều chủ trọ cũng bắt tay hòa nhập với xu thế này…
Loại hình này được người thuê nhà nhận định là giá rẻ, nếu ở đây sẽ tiết kiệm được khoản chi phí nhỏ. Tuy nhiên, trong quá trình ở cũng có nhiều bất tiện, khiến khách thuê phải chuyển chỗ ở.
PHÙ HỢP HAY KHÔNG PHÙ HỢP
Gần đây, nhiều hội nhóm thuê trọ trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hơn những bài đăng cho thuê hộp ngủ (sleep box) với giá giao động từ 1,5 – 3 triệu đồng/tháng. Hộp ngủ là loại hình mới gia nhập vào thị trường nhà ở và cũng nhận được sự quan tâm nhất định của một bộ phận người dân.
Chị Nguyễn Giang, sinh viên năm 3 tại một trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện đang thuê hộp ngủ tại phố Thái Hà, quận Đống Đa. Phòng có diện tích 2,5m2, quá trình sinh hoạt phía trong vừa đủ 1 người ngồi, vì chiều cao hộp chỉ có 1,2m.
“Với mức giá 1,7 triệu đồng/tháng và được bao gồm tiền điện, tiền nước và nhiều vật dụng cần thiết như máy nóng lạnh, điều hòa, bếp, tủ lạnh… thì mình thấy khá hợp lý. Vì trước đây, mình đã từng ở trọ, chi phí tiền phòng, điện nước đã lên đến 2,5 triệu đồng/tháng”, nữ sinh viên chia sẻ.
“Hàng xóm” của Giang, chị Nguyễn Tường Vy (22 tuổi, Nghệ An) vừa mới tìm được công việc sau ra trường cũng lựa chọn sleep box để ở, phòng có một chiếc bàn nhỏ, chỗ treo quần áo có thể để được 5 – 6 bộ đồ và một chiếc nệm xốp đơn nhỉ. Theo chị Vy, với mức lương khiêm tốn như hiện tại, thì ở phòng trọ kiểu này tiết kiệm được một số chi phí để chị có thể làm việc khác.
Khác với chị Giang và Vy, anh Viết Tuấn (25 tuổi, Thanh Hóa) đang làm việc tự do tại Hà Nội có trải nghiệm không mấy thuận lợi khi ở trong hộp ngủ. Người này cho biết, là loại hộp ngủ mà người ở có thể đứng, nên giá thuê khá cao, khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, với diện tích hơn 3m2.
Căn phòng anh Tuấn ở được chia làm 2 phòng, 1 phòng chia làm 8 hộp ngủ, phòng còn lại là sinh hoạt chung gồm nhà vệ sinh, nhà bếp.
“Phòng sinh hoạt chung khá bé, chỉ có 1 nhà vệ sinh mà có tới 8 người ở, nên nhiều lúc rất bất tiện. Khi nấu ăn trong phòng cũng có mùi, nhiều khi còn ám mùi đến trong chỗ ngủ. Ở được 2 tháng thì mình không muốn ở nữa, đành ra ngoài ở trọ như trước”, anh Tuấn tâm sự.
Cũng có trải nghiệm không tốt giống nhiều người, chị Thu Thảo (20 tuổi, Hà Nội) dở khóc, dở cười khi chọn chuyển vào ở trong hộp ngủ. Nghĩ mình là sinh viên, thời gian chủ yếu là đi học và đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, thì chỉ cần có chỗ để đêm về nghỉ ngơi, nên Thảo chọn 1 hộp ngủ có giá 1,4 triệu đồng/tháng tại phố Đại La, quận Hai Bà Trưng.
Các vách ngăn phòng chỉ là những tấm gỗ mỏng, nên việc có những tiếng động trong sinh hoạt là điều không tránh khỏi. Nhưng vào mùa thi, Thảo phải thức đêm thức hôm ôn tập, nhưng không được thoải mái vì cử động rón rén, sợ gây tiếng động ảnh hưởng đến người khác.
Nếu chỉ về vấn đề thi cử thì cũng chỉ kéo dài 1 – 2 tuần, nhưng đáng nói là căn phòng chỉ hơn 2m2, sinh hoạt rất bất tiện. Trước đó, cô gái này đã xem nhiều video chia sẻ về việc ở trong sleep box thấy giá rẻ và muốn trải nghiệm, nhưng không ngờ là lúc ở không như trên video.
“Là con gái, nhiều đồ linh tinh mình nghĩ không nên lựa chọn sleep box. Nó chật chội, bí bách, nhiều lúc còn ngộp cả thở. Xem người ta nói ngon, bổ, rẻ mình cũng ham, nhưng ở thì mới thấy vấn đề. Mình chấp nhận bỏ cọc và dọn ra ở với bạn cùng lớp rồi”, Thảo kể.
PHÁP LÝ CHƯA RÕ RÀNG
Tại các thành phố lớn có rất nhiều người từ các địa phương, tỉnh thành khách đến để sinh sống, học tập và làm việc. Từ đó nhu cầu mua nhà, thuê nhà trọ ngày càng tăng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đủ kinh tế để mua nhà tại các thành phố này, do đó, nhu cầu thuê nhà trọ ngày càng lớn. Nguồn cung tăng, nhiều loại hình thuê nhà cũng dần xuất hiện, gần đây, loại hình hộp ngủ đã dần lan rộng trong thị trường cho thuê.
Trao đổi với phóng viên, chị Diệu Ngân, chủ nhiều nhà trọ hộp ngủ trên địa bàn Hà Nội cho biết, là người cho thuê trọ một thời gian dài, nhận thấy rằng rất nhiều người lao động muốn thuê trọ với giá rẻ để tiết kiệm chi phí. Nên chị quyết định cải tạo từ phòng trọ thành sleep box để kinh doanh.
Hiện tại, chị Ngân có rất nhiều địa điểm hộp ngủ cho thuê, chủ yếu tập trung quanh các trường đại học. Về giá cả, mỗi hộp ngủ giao động từ 1,5 – 3 triệu đồng/tháng tùy vào diện tích và chiều cao của hộp.
Trong mỗi hộp ngủ sẽ có ổ cắm điện, 1 chiếc nệm xốp và gối, cùng một chiếc bàn nhỏ để người thuê có thể học tập và làm việc. Ở khu sinh hoạt chung sẽ có đầy đủ tiện nghi như điều hòa bếp, tủ lạnh, mỗi tầng có nhà vệ sinh trang bị bình nóng lạnh.
“Quá trình đầu tư cải tạo để thành các hộp ngủ cũng mất một khoản chi phí khá lớn. Nếu khách thuê kín phòng, khoảng 1 năm tôi sẽ hoàn lại được vốn. Để đảm bảo vấn đề phòng cháy chữa cháy, các vật liệu tôi lựa chọn đều là vật liệu an toàn, chống cháy nổ, sắp tới tôi sẽ trang bị thêm mặt nạ phòng độc thêm cho các cơ sở của mình”, chị Ngân nói. Thực tế, không chỉ chị Ngân, rất nhiều chủ nhà đang chuyển đổi mô hình, hoặc xây mới thành các sleep box để cho thuê.
Theo Luật sư Nguyễn Phó Dũng, Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự, đây là hoạt động cho thuê nhà ở, mà ở đó, người cho thuê đã cơi nới, cải tạo nhà cho thuê thành các hộp ngủ.
“Hoạt động kinh doanh hộp ngủ là hoạt động tự phát khi nhu cầu về nhà ở tại đô thị đã vượt xa khả năng đáp ứng”.
Tuy nhiên, xét về mô hình hộp ngủ đang cho thuê nở rộ hiện nay thì pháp luật việt Nam chưa có định nghĩa, hay khái niệm, quy định, hướng dẫn cụ thể về mô hình kinh doanh hộp ngủ này.
Bên cạnh đó, việc cơi nới nhà ở thành các hộp ngủ xếp chồng nhau như hiện nay chưa có quy định về tiêu chuẩn thiết kế để tuân theo. Song, khi thay đổi kết cấu nhà cho thuê thành dạng hộp ngủ phải đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
“Dù có chú trọng về an toàn, nhưng loại hình này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ và an toàn sức khỏe. Bởi, những hộp ngủ được bố trí sát nhau, khi sử dụng điện nếu xảy ra cháy nổ, việc thoát hiểm sẽ rất khó khăn do lối đi lại chật hẹp, mà số người sử dụng lại đông”, Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự phân tích.