Bi hài đốt 'vàng mã' cho người cõi âm
Những ngày trung tuần tháng 7 âm lịch, con đường Chu Văn An, Phan Văn Khỏe, phường 2, quận 6 được mệnh danh là phố bán hàng mã lớn nhất Sài Gòn. Là nơi chuyên cung cấp đồ thờ cúng sỉ - lẻ cho khách hàng, các dãy phố ở đây bày bán la liệt đồ thờ cúng từ đơn giản như: quần áo, mũ, hài, nến, tiền, vàng, cho đến những đồ cao cấp như: nhà lầu, xe hơi, xe máy, điện thoại hàng hiệu... để khách hàng lựa chọn.
Tràn ngập đồ thờ cúng
Dạo quanh đường Chu Văn An (bên hông chợ Bình Tây) dài khoảng 300m nhưng có hàng chục cửa hàng trưng biển chuyên bán sỉ - lẻ hàng mã. Các cửa hàng lớn được nhiều người biết đến như: nhang đèn Thu Ngân, Thuận Phát, Văn Thuận, Hoa Cỏ, Bà Tư, Hạnh Cường, Bình An, Sáu 24, Minh Phước, Hiệp Phương, Đức Phát, Hưng Nguyên, Hiệp Thành... từ lâu đã trở thành điểm giao dịch, "chợ cõi âm" của người dân thành phố. Các gian hàng nằm san sát nhau và được bày bán ngổn ngang, rất bắt mắt. Hàng thờ cúng nơi đây thật đa dạng về chủng loại, mẫu mã và luôn chật kín người mua.
Trong vai một người đang có nhu cầu mở cửa hàng bán lẻ tại một cổng chùa, phóng viên được chị Trần Thị Tuyết, chủ một sạp hàng ở đây giới thiệu: Chỗ chị mặt hàng nào cũng có, rất đa dạng về mẫu mã, màu sắc, giá rẻ, kiểu dáng thì khỏi chê. Nếu mua nhiều chị sẽ tính giá ưu đãi. Khi hỏi về mức độ tiêu thụ, chị Tuyết không ngần ngại cho biết, mỗi ngày cửa hàng cung cấp ra thị trường cả tấn hàng đủ loại. Tại cửa hàng, chị Tuyết bày bán tràn ngập đồ hàng mã từ truyền thống như: nón lá, hài, xe ngựa, vàng bạc, dolla cho đến những mặt hàng hiện đại, in nhãn hàng hiệu như xe ôtô Lexus, BMW, xe máy Dylan, SH... thậm chí có cả laptop và những chiếc điện thoại di động iPhone đời mới nhất.
Khi chúng tôi hỏi một mâm đồ lễ đầy đủ cho buổi đi chùa gồm: quần áo, giày dép, tiền vàng, nón lá, ngựa, dolla... thì người bán cho biết, giá thấp nhất từ 175.000 đến 350.000 đồng/bộ. Nếu khách hàng có nhu cầu cao hơn thì giá không hề rẻ chút nào. Những mâm thờ cúng bán theo yêu cầu của khách hàng, giá ngót nghét nửa triệu đồng trở lên. Thậm chí có những mâm đồ lễ đắt hơn lên đến vài triệu đồng. Những mặt hàng cao cấp như: nhà lầu, xe hơi hiệu Rolls Royce, Mercedes Ben; xe máy Dylan, SH; điện thoại iPhone... giá bèo cũng lên đến tiền triệu, đắt hơn có khi lên đến cả chục triệu đồng.
Cũng theo chị Tuyết, nếu không ưng ý với mặt hàng đang trưng bày thì khách hàng có thể đặt cọc thêm ít tiền, cửa hàng sẵn sàng cung cấp hàng "độc", "xịn" không đụng hàng cho người có nhu cầu. Nếu món hàng có giá trị, cồng kềnh như nhà, xe, tủ lạnh, máy giặt... nhân viên cửa hàng sẽ giao tận nơi.
Chị Nguyễn Thị Minh, chủ cửa hàng nhang đèn - hàng mã trên đường Phan Văn Khỏe, phường 2, quận 6 cho biết: Hàng năm, khi người dân chuẩn bị cúng rằm tháng 7 thì phố mua sắm đồ cúng bắt đầu tấp nập và kéo dài cho đến hết tháng. Năm nào cũng vậy, để có thể đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân dịp rằm tháng 7, các cửa hàng phải chuẩn bị nguồn hàng từ đầu tháng 5 âm lịch, nếu không sẽ không có hàng để bán. Thời gian này, các tuyến đường Chu Văn An, Phan Văn Khỏe và một số sạp tại nhà lồng (trước cửa chợ Bình Tây) luôn đông kín người mua. Các mặt hàng như biệt thự cao tầng, vàng mã, quần áo, ti vi, tủ lạnh, các loại xe tay ga, điện thoại được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nên bán rất chạy. Do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, theo đó giá các mặt hàng cũng tăng theo.
Tại cửa hàng nhang đèn - hàng mã Đức Phát, khi chúng tôi hỏi mua một bộ đồ cúng cho ngày rằm thì được một thanh niên ở đây lấy ra một đống hàng, gồm các loại quần áo, vàng mã, tiền, dolla, ngựa... trông rất bắt mắt, có giá bán dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/bộ lễ. Theo quan sát, nhiều đồ hàng mã như tiền, dolla được bán trông gần giống như thật. Các chủ cửa hàng tỏ ra khá am hiểu xu hướng của thị trường, sẵn sàng tư vấn cho người mua các sản phầm để cúng cho người đã khuất. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc các mặt hàng này, người bán hàng tỏ rõ vẻ khó chịu và trả lời cộc lốc: Rốt cuộc em có mua không? Ở đây chỉ có hàng Việt, không có hàng nhập... Điều đặc biệt là những món hàng này lại được tiêu thụ rất mạnh.
Chi cả chục triệu đốt cho người cõi âm
Theo quan sát của chúng tôi, trong những rằm tháng 7 tại các đình, chùa, miếu... các lò hóa vàng gần như hoạt động hết công suất. Với suy nghĩ "trần sao âm vậy", nhiều người sẵn sàng chi ra hàng hàng trăm ngàn, thậm chí lên đến cả chục triệu đồng để mua hàng mã đốt cho người cõi âm. Tại chùa Bà Thiên Hậu, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (còn gọi là chùa Bà Bình Dương) ngay từ đầu tháng 7 đến nay, khách hành hương đổ về quá đông nên chùa liên tục rơi vào tình trạng quá tải. Cảnh chen lấn, xô đẩy diễn ra thường xuyên. Trong những ngày này, bất kể ngày hay đêm, lúc nào cũng có người đến viếng chùa Bà. Đi viếng cảnh chùa, nhiều gia đình - doanh nghiệp bỏ ra tiền triệu mua sắm đồ lễ rồi mang đi đốt. Để có chỗ cho người dân hóa vàng, chùa phải đầu tư 2 lò đốt được kê sát nhau. Theo ước tính, mỗi ngày khách hành hương mang đến chùa cả tấn đồ hàng mã rồi mang đi đốt.
Đặc biệt, mặt hàng quần áo, nón, hài, tiền polymer "mã” với đủ các mệnh giá được sản xuất khá giống tiền thật được bán với giá cao ngay trước cổng chùa nhưng rất đắt khách. Theo quan sát của chúng tôi, người mua ít thì một vài tập, khá giả hơn thì mua nhiều vô số, cá biệt có hộ gia đình còn tiêu đến hàng triệu đồng mua đồ hàng mã để "gửi" xuống cõi âm. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nhung (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: Mỗi năm đi chùa Bà xin lộc, cầu may 1 lần. Đồ chị mua cúng bà trọn bộ gồm mũ áo, giày dép, đồ trang sức, vật dụng hàng ngày mất đến tiền triệu.
Tương tự, trong lúc đi xin "lộc" cầu may tại chùa Bà, anh H - chủ một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc trên địa bàn quận 1 cho rằng, sống trên trần sao thì âm vậy. Ở công ty, tôi giao việc này cho một chị nhân viên đảm nhận. Đến rằm, mùng một, công ty trích xuất ra 5 triệu đồng đi mua vàng mã thắp hương, tiến cúng chu đáo. Riêng ngày rằm tháng 7, Tết Nguyên đán thì đích thân ông H. đi cúng Bà, xin "lộc". Mâm đồ lễ của ông H. thuộc dạng hàng "khủng" và được đặt trước gồm: tiền, vàng, hài, quần áo, ôtô, biệt thự... lên tới cả chục triệu đồng. Riêng ngày rằm tháng 7 ông H. cho tất cả nhân viên nghỉ một ngày để đi cúng Bà. Theo quan niệm của ông H, đốt càng nhiều vàng mã, Bà nhận được nhiều thì càng phù hộ, độ trì cho mình làm ăn hanh thông, khấm khá hơn.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TPHCM cho rằng, tình trạng người dân sùng tín đốt tiền - vàng cho người cõi âm là rất lãng phí và không có tác dụng. Việc đốt vàng mã cho người cõi âm chỉ thể hiện sự mê tín, dị đoan. Thay vì đi chùa, đình, miếu... mình mua đồ thật cúng sau đó mang về dùng. Nếu mình không dùng thì cho người khác sử dụng sẽ có ích hơn rất nhiều. Đồ mình mang tặng cho người khác thì mình nhận được niềm hoan hỉ và đây chính là công đức mình dâng lên cho ông bà, tổ tiên. Hàng năm, người dân thành phố chi ra cả trăm tỷ đồng mua tiền vàng mã đốt ra tro bụi thì quá lãng phí.
Ông Vương Vĩnh Thắng, Trưởng ban Trị sự chùa Bà cho biết: Để giảm tải cho chùa Bà, tỉnh Bình Dương phải xây thêm chùa Bà Thiên Hậu trên TP Mới, tỉnh Bình Dương. Ban quản lý chùa cũng quy định, mỗi khách hành hương vào Chánh Điện chỉ được phép cầm 2 cây nhang thắp lên bàn thờ Bà. Vào những ngày cận rằm, chùa đón hơn 1.000 lượt khách hành hương về tế, lễ. Để tránh trường hợp du khách bị ngất xỉu do chen lấn, năm nay chùa dành hẳn một góc khuôn viên làm điểm sơ cấp cứu. Ngoài ra, chùa phải huy động hàng chục thanh niên tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/bi-hai-dot-vang-ma-cho-nguoi-coi-am_152358.html