Bi hài 'trúng tuyển ĐH nhưng không muốn học', thí sinh lưu ý gì với kỳ xét tuyển bổ sung?

Không ít thí sinh chia sẻ băn khoăn 'trúng tuyển nhưng không muốn học' vậy có nên từ chối nhập học đợt 1 để tìm cơ hội trong đợt 2 xét tuyển.

Đỗ nhưng vẫn "không biết đi về đâu"

Dù nhận kết quả báo đỗ đại học nhưng thí sinh N.M.A mang tâm trạng không mấy vui, vì theo lời A, "em trượt sư phạm nhưng trúng tuyển vào 1 ngành đào tạo khác của trường công. Tuy nhiên, đây là nguyện vọng chống trượt của em và em chưa tìm hiểu nhiều về nó. Em nghe mọi người nói là ngành này khó xin việc và học phí cũng khá cao so với kinh tế của gia đình. Em nên học 1 trường cao đẳng hay học tiếp trường đã trúng tuyến. Giờ em băn khoăn không biết nên đi về đâu".

Thí sinh còn nhiều băn khoăn trước ngưỡng cửa đại học (ảnh minh họa).

Thí sinh còn nhiều băn khoăn trước ngưỡng cửa đại học (ảnh minh họa).

Tương tự là "nỗi niềm" của một thí sinh khác "em đỗ nguyện vọng 2 nhưng hiện giờ em lại mong muốn học nguyện vọng 3, vậy em nên từ chối xét tuyển đợt 1 và tìm cơ hội xét tuyển đợt 2 ở ngành học của nguyện vọng 3 có được không?"

"Em đã lỡ xác nhận đồng ý nhập học ở nguyện vọng trúng tuyển, nhưng suy nghĩ lại, em mong muốn tìm cơ hội tuyển sinh của đợt hai với ngành học khác, giờ em phải làm sao?", một thí sinh khác băn khoăn.

Dù trước đó, các chuyên gia giáo dục đã khuyến cáo về việc cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cũng như nguyên tắc đỗ ở nguyện vọng nào sẽ dừng xét tuyển ở nguyện vọng đó, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" trong mỗi mùa tuyển sinh.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, lưu ý chậm nhất 17h ngày 27/8/2024, các thí sinh đã trúng tuyển phải xác nhận nhập học trên hệ thống chung. Sau đó, các thí sinh theo dõi thông tin từ trường đại học đã trúng tuyển đã thực hiện thủ tục nhập học riêng với trường đó.

Sau khi xác nhận nhập học, thông tin của thí sinh sẽ được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, đồng thời hệ thống sẽ tự động khóa nhập học của thí sinh, thí sinh sẽ không tham gia nhập học được ở các trường khác nữa. Trên hết, có nhiều thời gian để thí sinh thực hiện nhập học. Do đó, trước khi quyết định xác nhận nhập học, thí sinh cần suy nghĩ thật kỹ.

"Thí sinh trúng tuyển, đã xác nhận nhập học không tham gia xét tuyển bổ sung; trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học", bà Thủy cho biết.

Lưu ý với xét tuyển bổ sung

Theo quy định, đối với thí sinh chưa trúng tuyển hoặc đã trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học vào bất cứ nơi nào có thể đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ sở đào tạo.

Về xét tuyển theo các đợt bổ sung, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia như các thí sinh khác để các cơ sở đào tạo xét tuyển, nếu trúng tuyển thí sinh sẽ xác nhận nhập học theo lịch chung.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo một chuyên gia giáo dục, hiện nay, các ngành học được đào tạo theo hướng liên ngành và xuyên ngành, các em học một ngành vẫn có thể làm nhiều công việc khác nhau nên ngành chưa phải là yêu thích nhất vẫn là nền tảng để giúp các em sau này có thể tìm được công việc yêu thích. Trong khi đó, chỉ tiêu đợt xét tuyển bổ sung chắc chắn không nhiều và điểm chuẩn có thể cao, vì thế các cần em suy nghĩ kỹ trước khi quyết định từ chối nhập học đợt 1 để xét bổ sung.

Bộ GD&ĐT lưu ý, với trường hợp tuyển bổ sung, thí sinh cần theo dõi thông tin xét tuyển bổ sung được đăng trên website của các nhà trường. Nguyên tắc tuyển là điểm tuyển bổ sung của trường không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước nên thí sinh cần tham khảo kỹ lưỡng.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bi-hai-trung-tuyen-dh-nhung-khong-muon-hoc-thi-sinh-luu-y-gi-voi-ky-xet-tuyen-bo-sung-192240822190616967.htm