Bị hại vụ Alibaba: Người muốn lấy lại tiền, người muốn nhận đất

Trong ngày đầu xét hỏi các bị hại, nhiều người muốn đòi lại tiền đã đầu tư để mua đất nhưng cũng có người muốn nhận lại đất để có nơi cất nhà.

Ngày 12-12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo khác bị truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền. HĐXX bước vào phần xét hỏi các bị hại của một số dự án mà Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm đã “vẽ” ra.

Do số lượng bị hại lớn nên tòa đã đọc lần lượt tên theo danh sách và theo từng dự án. Chủ tọa phiên tòa đề nghị các bị hại chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Đồng thời cũng lưu ý các luật sư theo dõi để thực hiện việc xét hỏi bị hại.

Ông Trương Đình Quý Anh (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) dùng số tiền làm công nhân hơn 10 năm để mua đất. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Trương Đình Quý Anh (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) dùng số tiền làm công nhân hơn 10 năm để mua đất. Ảnh: NGUYỆT NHI

Có bị hại xin giảm nhẹ cho các bị cáo

Buổi sáng ngày xét hỏi đầu tiên, khi được chủ tọa hỏi về yêu cầu của mình, đa số bị hại đều yêu cầu đòi lại số tiền đã đầu tư vào Công ty Địa ốc Abilaba (Công ty Abilaba). Tuy nhiên, cũng có người yêu cầu tòa án giải quyết xem xét được cho nhận đất.

Trả lời câu hỏi của luật sư, một bị hại tên Hạnh cho biết bản thân đã mua đất tại ba dự án của Công ty Alibaba, trước khi quyết định mua đều đi xuống thực tế để xem đất. “Trong ba dự án này, tôi mong muốn được nhận đất tại dự án Alibaba Long Phước 12, còn đất tại hai dự án kia tôi muốn được trả lại tiền. Sở dĩ tôi muốn nhận đất vì từ trước đến nay chưa có miếng đất nào nên muốn giữ lại một miếng đất để cất nhà ở” - bà Hạnh nói.

Trong các dự án được tòa sắp xếp xét hỏi các bị hại trong ngày 12-12, dự án Ali Venice City có số lượng bị hại rất lớn với 952 khách hàng. Trong dự án này, số tiền các bị hại có yêu cầu đòi lại từ vài chục triệu đến hàng tỉ đồng. Bà Tống Thị Ngọc yêu cầu đòi lại số tiền 62,7 triệu đồng, trong khi ông Hồ Văn Hoàng cho biết yêu cầu Công ty Alibaba trả lại số tiền khoảng 4,063 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong quá trình xét hỏi, bị hại Nguyễn Đức Duy đã có đơn cứu xét xin giảm nhẹ hình phạt cho Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm. Ông Duy cho biết dù các bị cáo đã thực hiện sai quy định pháp luật dẫn đến thiệt hại cho mình nhưng qua quá trình làm việc với công ty, ông cho rằng Luyện và toàn bộ nhân viên của Công ty Alibaba đã không cố ý thực hiện hành vi của mình dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng như hiện nay.

Ông Duy cho biết thêm: “Chúng tôi được biết các bị cáo hiện nay đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính trong gia đình, nuôi con nhỏ, đều có đầu tư tiền vào công ty như chúng tôi. Sự việc xảy ra không hoàn toàn là mong muốn của các bị cáo”.

Nguyễn Thái Luyện (đeo kính) cùng các đồng phạm tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nguyễn Thái Luyện (đeo kính) cùng các đồng phạm tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bên cạnh đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, anh V (một bị hại trong vụ án) cho biết bắt xe từ Bình Thuận đến TP.HCM tham dự phiên xử. Trước đó, nhờ một người quen làm trong Công ty Alibaba, anh có đầu tư mua hai lô đất tại dự án Alibaba Phú Mỹ Center City với số tiền hơn 635 triệu đồng (đóng 95%). “Nay tôi yêu cầu được hoàn trả số tiền đã đầu tư vì mua hai lô đất tổng diện tích có 200 m2 đất nông nghiệp nên cũng không đủ điều kiện diện tích tối thiểu để tách thửa” - anh V thông tin.

Theo Hữu Đăng - Nguyệt Nhi/ Báo Vietnamnet

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/bi-hai-vu-alibaba-nguoi-muon-lay-lai-tien-nguoi-muon-nhan-dat-1785059.html