Bị hủy hợp đồng đặt cọc do hàng xóm kiện đòi lối đi chung từ 33 năm trước

Hợp đồng đặt cọc mua bán đất bị tuyên hủy do hàng xóm khởi kiện đòi lối đi chung từ 33 năm trước.

Ngày 10-4, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm vụ kiện dân sự về tranh chấp hợp đồng đặt cọc giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Tem (43 tuổi, ngụ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) và bị đơn là ông Phạm Tặng (76 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, huyện Krông Ana).

 Ông Phạm Tặng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: VŨ LONG

Ông Phạm Tặng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: VŨ LONG

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Krông Ana xác định: bà Tem có mua của gia đình ông Phạm Tặng 4.030 m2 đất tại xã Bình Hòa, với tổng giá trị chuyển nhượng hơn 5,2 tỉ đồng.

Ngày 4-4-2022, các bên thống nhất lập hợp đồng đặt cọc. Theo đó, bên mua hai lần cọc cho bên bán tổng cộng hơn 1,4 tỉ đồng. Thời hạn thực hiện hợp đồng đặt cọc 50 ngày, kể từ ngày 4-4 đến 24-5-2022.

Khoảng một tháng sau khi ký hợp đồng đặt cọc, bà Nguyễn Thị Tâm (ngụ thị trấn Buôn Trấp, người có phần đất liền kề với ông Tặng) gửi đơn đề nghị UBND xã Bình Hòa giải quyết tranh chấp lối đi. Sau đó, TAND huyện Krông Ana xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm đều không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của gia đình bà Tâm.

Tòa sơ thẩm cho rằng căn cứ vào điểm b, khoản 1 điều 188 Luật Đất đai năm 2013 thì điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất là đất không có tranh chấp.

Do đó, tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Tem, buộc ông Phạm Tặng trả lại hơn 1,4 tỉ đồng đã đặt cọc; bà Tem phải bồi thường cho ông Tặng hơn 77 triệu đồng do sau khi mua đất đã thuê máy móc cải tạo vườn của nhà ông Tặng. Do đó, ông Tặng kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Phạm Tặng cho rằng hợp đồng giữa ông với bà Tem là hợp đồng đặt cọc. Trong đó, quy định thời gian đặt cọc 50 ngày và không nêu rõ thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng là bao nhiêu ngày. Thời điểm đặt cọc, ông Phạm Tặng cho rằng đất của ông không hề tranh chấp với ai.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Tặng cho rằng, hợp đồng đặt cọc thể hiện đất không có tranh chấp. Việc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng là do các cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là lỗi khách quan, không phải do lỗi ông Phạm Tặng vi phạm.

Ông Phạm Tặng cho rằng vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt cọc đối với phần đất trên. Tuy nhiên, nguyên đơn không đồng ý, đề nghị tòa phúc tuyên tuyên y án sơ thẩm.

Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, HĐXX phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.

Đòi lối đi từ 33 năm trước

Liên quan đến vụ án, gia đình bà Nguyễn Thị Tâm khởi kiện, yêu cầu gia đình ông Phạm Tặng trả lại lối đi cho gia đình bà.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 8-6-1995 UBND huyện Krông Ana giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Phạm Tặng tại thửa đất số 27, tờ bản đồ số 03a và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà Nguyễn Thị Tâm tại thửa đất số 28, tờ bản đồ số 03a có nguồn gốc nhận chuyển nhượng từ năm 1989. Trước năm 1989, có một con đường đất đi tắt dẫn vào đất nhà bà Tâm.

Cuối năm 1989, ông Phạm Tặng đã cuốc con đường này để trồng khoai môn và rào lại đường, nhưng bà Tâm không có ý kiến gì.

Từ năm 1989 đến năm 2022 không còn tồn tại lối đi trên thửa đất của ông Phạm Tặng để vào lối đất của bà Tâm. Năm 2022, bà Tâm khởi kiện đòi lại lối đi.

Xử sơ thẩm hồi tháng 1-2024, TAND huyện Krông Ana không chấp nhận yêu cầu đơn khởi kiện của gia đình bà Tâm.

VŨ LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-huy-hop-dong-dat-coc-do-hang-xom-kien-doi-loi-di-chung-tu-33-nam-truoc-post843631.html