Sẽ xử lý hơn 1.000 học sinh, sinh viên liên quan vụ án Mr Pips
Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết có đến hơn 1.000 học sinh, sinh viên liên quan vụ án Phó Đức Nam (còn gọi là Mr Pips) và sẽ xử lý nghiêm vì biết là lừa đảo nhưng vẫn tham gia.
Chiều ngày 17-4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 4, tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
Cử tri bất an với lừa đảo qua mạng
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cùng đề cập đến vấn đề tội phạm công nghệ cao, lừa đảo trên không gian mạng, lộ lọt dữ liệu cá nhân… khiến đông đảo người dân lo lắng, bất an.
Cử tri Nguyễn Thị Hòe (huyện Gia Lâm) cho rằng hiện nay tình hình tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và tài sản của Nhân dân.
Cử tri Hòe đề nghị Quốc hội chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng truy tìm nguồn tiết lộ thông tin cá nhân của công dân và xử lý nghiêm các vụ mua bán dữ liệu cá nhân; đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội, qua điện thoại.
"Như vậy mới có thể bảo vệ tài sản cho người dân, đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của công dân trên các nền tảng ứng dụng chuyển đổi số, do các cơ quan Nhà nước quản lý đảm bảo an toàn thông tin", cử tri Hòe nói.

Cử tri đề nghị cần có giải pháp mạnh để ngăn chặn, phòng chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Ảnh: CTV.
Còn cử tri Trần Thị Hương (quận Hoàng Mai) thì cho hay tình trạng mất dữ liệu cá nhân ngày càng phổ biến, việc mua bán dữ liệu diễn ra công khai nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh.
“Cử tri kỳ vọng dự luật bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ sớm được Quốc hội xem xét, thông qua để bảo vệ người dân trước hoạt động của tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng”.
Tương tự, cử tri Nguyễn Ngọc Phúc (quận Hoàng Mai) cũng đề nghị cần có chế tài mạnh, xử lý nghiêm loại tội phạm này để răn đe, bảo vệ cuộc sống của người dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng bị cuộc gọi lừa đảo
Giải đáp các kiến nghị của cử tri, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết tình hình tội phạm sử dụng mạng xã hội, công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.
Loại tội phạm này lợi dụng tính ẩn danh trên không gian mạng, lợi dụng địa bàn ở nước ngoài như Campuchia, Đài Loan, Trung Quốc… nhắm vào những người bị hại ở Việt Nam. Thậm chí có tình trạng các đối tượng ở Việt Nam sang nước ngoài để lừa chính những người Việt Nam trong nước.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội. Ảnh: CTV
Ông Tùng dẫn chứng năm 2024, Công an TP Hà Nội đã phá 2 vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Vụ thứ nhất liên quan đến Phó Đức Nam (Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ cầm đầu.
Vụ này cơ quan công an đã bắt giữ, khởi tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không tố giác tội phạm và rửa tiền với 33 bị can, truy nã quốc tế 5 bị can, thu giữ tài sản lên đến 5.300 tỉ đồng.
Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết liên quan đến vụ án này, ở Cầu Giấy có đến hơn 1.000 học sinh, sinh viên tham gia và “những người này sẽ rơi vào vòng lao lý”, phải xử lý nghiêm bởi biết là lừa đảo nhưng vẫn tham gia.
Vụ thứ hai do Đỗ Huy Hoàng (quận Nam Từ Liêm) lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với thủ đoạn dụ dỗ người dân chuyển tiền để đầu tư tiền ảo, tổng giá trị các tài sản thu giữ (gồm xe ô tô, bất động sản) khoảng 500 tỉ đồng, và công an phối hợp với các ngân hàng và tổ chức tín dụng phong tỏa số tiền 22 tỉ đồng.
“Lỗi này phần lớn đến từ người dân, mặc dù công an Hà Nội nói riêng và lực lượng công an cả nước nói chung, cùng với các cơ quan thông tấn, báo chí đã nhiều lần cảnh báo”, ông Tùng nói và cho rằng việc này “đáng phải lên án”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: CTV
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết thời gian qua, lực lượng Công an TP Hà Nội đã rất tích cực, chủ động phòng chống, đấu tranh với loại tội phạm này.
Theo bà Hoài, các ý kiến cử tri nêu về loại tội phạm này đều nằm trong số 11 loại tội phạm công nghệ cao, lừa đảo trên không gian mạng, đã được Giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ ra.
“Loại tội phạm này rất phức tạp, ngay cá nhân tôi cũng thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại thuộc dạng này. Cơ quan chức năng của cả nước và Hà Nội đang rất tích cực triệt phá nhưng bà con Nhân dân cũng cần cảnh giác hơn, phải cùng nhau tuyên truyền, cảnh báo cho người thân của mình, nhất là không tiếp tay cho loại tội phạm này”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói và đề nghị Công an TP Hà Nội tiếp tục có các giải pháp phòng chống, ngăn ngừa loại tội phạm này.