Bị hủy tài khoản ngân hàng trong trường hợp nào?

Hỏi: Tôi có đăng ký một tài khoản ở ngân hàng nọ, nhưng đã lâu không sử dụng, trong tài khoản không có tiền, gần đây tôi có một khoản tiền muốn chuyển đến tài khoản đó thì bên ngân hàng báo là tài khoản đã bị hủy. Tôi muốn hỏi điều đó đúng hay sai, quy định về việc hủy tài khoản thế nào?

Luật sư Trịnh Xuân Thụy - Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Luật sư Trịnh Xuân Thụy - Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Theo quy định tại Điều 13, Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-NHNN, việc đóng tài khoản thanh toán được thực hiện khi:

a) Chủ tài khoản có yêu cầu và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán;

b) Chủ tài khoản là cá nhân bị chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

c) Tổ chức có tài khoản thanh toán chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;

d) Chủ tài khoản vi phạm hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

đ) Chủ tài khoản hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán vi phạm Điều 6 Nghị định này và các quy định pháp luật khác trong hoạt động thanh toán;

e) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Về việc bạn hỏi tài khoản đã lâu không sử dụng, bị hủy, ngân hàng áp dụng theo điểm e, Điều 13 “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Trên thực tế, tài khoản ngân hàng còn 0 đồng sẽ xử lý ra sao phụ thuộc vào tình trạng hoạt động của tài khoản cũng như quy định của từng ngân hàng. Song về căn bản, các ngân hàng quy định như sau:

Tài khoản 0 đồng nhưng vẫn hoạt động hàng tháng

Nếu tài khoản ngân hàng có số dư 0 đồng, nhưng vẫn duy trì các hoạt động giao dịch như rút tiền, chuyển/nhận tiền... thì sẽ không bị khóa. Thay vào đó, người dùng phải trả một số khoản phí do tài khoản có số dư ít hơn so với quy định của ngân hàng. Hệ thống ngân hàng sẽ tự động trừ các khoản phí này khi tài khoản nhận thêm tiền chuyển vào.

Một số phí khách hàng có thể phải thanh toán như phí duy trì tài khoản, phí thường niên, phí dịch vụ SMS Banking, Internet Banking/Mobile Banking...

Tài khoản 0 đồng không hoạt động liên tục dưới 12 tháng

Nếu không hoạt động liên tục trong thời gian dưới 12 tháng, tài khoản 0 đồng sẽ không bị khóa. Thế nhưng, ngoài các khoản phí thường niên, phí duy trì... người dùng sẽ cần đóng thêm “Phí quản lý tài khoản không hoạt động”.

Tùy thuộc vào quy định của từng ngân hàng, mức phí này dao động từ 10.000 - 50.000 đồng/tháng/tài khoản. “Phí quản lý tài khoản không hoạt động” nhằm đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền lợi của người sở hữu tài khoản đồng thời ngăn chặn việc sử dụng tài khoản không hoạt động cho mục đích gian lận hoặc rửa tiền.

Tài khoản 0 đồng không hoạt động liên tục trên 12 tháng

Trường hợp tài khoản 0 đồng và không phát sinh bất kỳ giao dịch nào như thanh toán, chuyển tiền, nhận tiền...liên tục trên 12 tháng, ngân hàng sẽ đơn phương khóa tài khoản.

Khi khóa tài khoản, ngân hàng sẽ gửi thông báo qua email hoặc tin nhắn SMS đến số điện thoại đã đăng ký với ngân hàng.

Để tiếp tục sử dụng tài khoản, khách hàng cần nộp thêm tiền vào tài khoản hoặc đến chi nhánh nộp tiền trong vòng 30 ngày kể từ khi thông báo khóa tài khoản. Tùy thuộc vào quy định của từng ngân hàng, khách hàng sẽ phải trả các khoản phí chưa thanh toán trước đó hoặc không.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bi-huy-tai-khoan-ngan-hang-trong-truong-hop-nao-152035-152035.html