Bị Israel dồn vào chân tường, Iran sẽ đẩy nhanh phát triển vũ khí hạt nhân?
Chuyên gia lo ngại Tehran có thể đẩy nhanh chương trình hạt nhân như biện pháp răn đe đối với Israel, gây ra cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Iran rơi vào thế bị động sau khi Israel liên tục tấn công Hezbollah và Hamas. Mỹ đánh giá hoạt động bắn hơn 200 tên lửa vào Israel của Iran "không hiệu quả".
Theo quan chức chính phủ hiện tại và trước đây ở Mỹ cũng như Israel và Ả Rập, thất bại này có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn và nguy hiểm. Họ lo ngại Iran bị dồn vào chân tường và đẩy nhanh tiến trình hạt nhân, theo đuổi vũ khí nguyên tử.
Phe phái cứng rắn bên trong Iran có thể thúc đẩy nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei ra lệnh phát triển vũ khí hạt nhân, phản đối những người muốn chính phủ tập trung vào việc cải thiện quan hệ với phương Tây. Theo một quan chức Israel, ông Khamenei có thể đang tính toán xem nên đi theo hướng nào.
"Nếu lực lượng liên minh suy yếu thì chỉ còn lựa chọn duy nhất là cố gắng sở hữu đủ vũ khí hạt nhân để khiến việc tấn công Iran trở nên rất khó khăn, xóa bỏ nguy cơ bị trả đũa bằng vũ khí hạt nhân", cựu sĩ quan của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ và là thành viên của Viện Trung Đông Mick Mulroy cho biết.
Việc có được vũ khí hạt nhân là bước đi dài hạn đối với Tehran và không ảnh hưởng ngay lập tức đến cuộc xung đột hiện tại ở Trung Đông. Vật liệu hạt nhân vẫn cần được chế tạo và đưa vào đầu đạn mới có thể phóng. Tuy nhiên, hoạt động chế tạo có thể mất đến vài tháng, tùy vào độ tinh vi của thiết bị.
Viễn cảnh về cuộc đột phá hạt nhân của Iran làm dấy lên hồi chuông cảnh báo mới về sự leo thang thảm khốc với Israel. Nhiều tên lửa của Iran đã vượt qua hệ thống phòng không của Israel, mặc dù chúng gây ra ít thiệt hại.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu từng đe dọa trả đũa Iran. Một trong những đối thủ chính của Netanyahu, ông Naftali Bennett kêu gọi Israel "phá hủy chương trình hạt nhân của Iran".
Cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc Dana Stroul thông tin thêm việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạt nhân của Iran có thể khiến nhà lãnh đạo tối cao của Iran cân nhắc việc tăng cường phát triển vũ khí, sẵn sàng đáp trả.
Cho đến nay, Iran vẫn tiếp tục khẳng định không tìm cách theo đuổi vũ khí hạt nhân, ngay cả khi những tuyên bố gần đây của quan chức Iran cho thấy nước này có thể xem xét lại học thuyết hạt nhân. Tình báo Mỹ cũng đánh giá Iran vẫn chưa quyết định khởi động lại chương trình vũ khí hạt nhân.