Bi kịch của chủng tộc người khổng lồ

Nằm ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc của châu Phi, Quần đảo Canary là điểm dừng chân của nhiều thủy thủ trước khi vượt Đại Tây Dương.

Tranh mô tả người Guanches với lối sống bán du mục trên Quần đảo Canary.

Tranh mô tả người Guanches với lối sống bán du mục trên Quần đảo Canary.

Bị cô lập khỏi các nền văn minh lục địa, nhóm đảo nhỏ này đã phát triển nền văn hóa độc đáo của riêng mình, và người Guanches từng tạo dấu ấn mạnh mẽ ở đây. Họ là ai và có thực sự khổng lồ như những nhà khảo cổ tiết lộ?

Người Guanches đến từ đâu?

Cả Pliny the Elder (23 CN – 79 CN) và Strabo (63 TCN - 23 CN) hai triết gia nổi tiếng của La Mã và Hy Lạp, đều có đề cập đến nhóm đảo mà hiện nay được cho là Quần đảo Canary, nhưng cung cấp rất ít chi tiết về xã hội ở đó, thậm chí không cho biết dân số là bao nhiêu. Nhà địa lý Ả Rập, Muhammad al-Idrisi, vào năm 1150, đã viết về cuộc chạm trán giữa ông với một chủng tộc cao lớn “tóc màu nâu vàng nhạt” ở một địa điểm gần đúng với Canary hiện nay. Và mọi bằng chứng về người Guanches chỉ có thế…

Người Guanches là những cư dân đầu tiên được biết đến của Quần đảo Canary. Người ta tin rằng họ đã đến đây vào thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.

Nhưng khi các nhà khảo cổ khám phá bằng chứng về nền văn hóa này, điều đầu tiên gây ấn tượng với họ không phải là những đồ tạo tác hay tàn tích, mà là vóc dáng của người bản địa.

Người Guanches rất to lớn vào thời điểm đó, đặc biệt là chiều cao của các thành viên nam trong chủng tộc thường vào khoảng từ 1,75m đến 1,90m. Một số người có đôi mắt xanh, mái tóc vàng cùng với làn da hồng hào, thể hiện sự khỏe mạnh và nhanh nhẹn.

Người Guanches đã tồn tại trong một thời gian dài cho đến thế kỷ 15, chỉ suy sụp sau những trận chiến cuối cùng chống lại cuộc chinh phục quần đảo của người Tây Ban Nha vào năm 1496.

Những cư dân cao lớn, sống cách biệt ở Đại Tây Dương này được cho là có liên quan đến lục địa huyền thoại Atlantis, mặc dù phần lớn chỉ là phỏng đoán dựa trên một vài điểm tương đồng.

Thực tế, người Guanches cũng có liên quan đến người Ai Cập. Họ nói nhiều loại ngôn ngữ phát triển từ người Ai Cập cổ đại, điều này có thể phần nào giải thích sự giống nhau về kỹ thuật giữa người Guanches và người Ai Cập đối với quá trình ướp xác.

Tuy nhiên, nguồn gốc chính xác của chủng tộc da sáng này vẫn được coi là chủ đề gây tranh luận giữa các nhà sử học và khảo cổ học. Một số nhà nghiên cứu tin rằng, họ đến Quần đảo Canary bằng đường biển từ Bắc Phi và có mối quan hệ mật thiết với các bộ lạc Berner, những người đã chiếm đóng lục địa Bắc Phi trong hàng trăm năm.

Xét đến vị trí gần của Canary với Morrocco, có thể người Berber đã đổ bộ lên quần đảo này vào khoảng năm 100 Công nguyên. Vào năm 2017, dữ liệu toàn bộ bộ gen đầu tiên của người Guanches đã xác nhận giả thuyết nguồn gốc Bắc Phi của họ và giống nhất về mặt di truyền với các dân tộc Berber cổ đại.

Người Guanches sống bán du mục và thường ở trong những hang động được khoét sâu vào núi. Thức ăn khan hiếm buộc họ phải sống thanh đạm, chế độ ăn uống chủ yếu là trái cây dại và cá. Vào một dịp rất đặc biệt, họ sẽ nướng thịt.

Chính lối sống đơn giản này đã giúp họ tồn tại và phát triển trong những điều kiện đầy thử thách. Chúng ta không có tư liệu nào lưu lại từ chính người Guanches, ngoài những gì có thể tìm thấy trên vùng đất khô cằn của Canary.

Nền văn hóa bị triệt tiêu

Tượng của hai vị vua Guanches trên đảo Fuerteventura, Quần đảo Canary.

Tượng của hai vị vua Guanches trên đảo Fuerteventura, Quần đảo Canary.

Cuộc sống yên bình của người Guanches đã bị đảo lộn vào năm 1402 với sự xuất hiện của người Tây Ban Nha. Trong thế kỷ sau đó, các thành viên của chủng tộc đã chiến đấu rất kiên cường chống lại những kẻ ngoại xâm để bảo vệ vùng đất của họ nhưng cuối cùng bị thất bại.

Nền văn hóa và lối sống độc đáo của họ đã bị người Tây Ban Nha thủ tiêu, nhiều thành viên của chủng tộc đã thiệt mạng vì những căn bệnh do kẻ xâm lược mang đến.

Một số người bị bắt làm nô lệ và đưa đến Tây Ban Nha. Các thành viên của chủng tộc còn lại cuối cùng đã phải theo lối sống của những người cai trị mới, hòa nhập dần với người dân Tây Ban Nha.

Sau khi thuộc địa hóa quần đảo, người Tây Ban Nha đã cung cấp bằng chứng về tôn giáo của người Guanches. Họ theo đa thần giáo và chấp nhận sự tồn tại của một thế lực cao siêu (có tên khác nhau giữa các hòn đảo) và sự hiện diện của ma quỷ.

Các vị nam thần và nữ thần được người dân tôn thờ không giống nhau giữa các hòn đảo. Mỗi nơi tạo tác các tượng bằng gốm khác nhau để đại diện cho các vị thần của họ.

Người dân có một hệ thống niềm tin độc đáo về tôn giáo và tâm linh. Họ tin vào thế giới bên kia và sự tồn tại của linh hồn. Họ có một khái niệm phức tạp về thế giới vô hình, bao gồm cả ý tưởng thiên đường và địa ngục của riêng mình.

Mặc dù hầu hết các dấu vết của họ đã bị mất theo thời gian, nhưng những người thuộc chủng tộc Guanches vẫn được nhớ đến vì lòng dũng cảm trong chiến trận, mái tóc vàng hoặc đỏ nổi bật và chiều cao của họ. Sự kết thúc của chủng tộc được xem là một trong những sự kiện bi thảm nhất trong lịch sử nhân loại.

Theo Historicmysteries

Thiên Lý

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bi-kich-cua-chung-toc-nguoi-khong-lo-post638276.html