Bi kịch 'lao động chui' sang Trung Quốc

Biết rõ rủi ro khi vượt biên tìm kiếm việc làm, thế nhưng hàng chục ngàn người dân ở Lạng Sơn và các tỉnh vẫn liều mình sang Trung Quốc. Nhiều trường hợp gặp nạn thương tâm xảy ra, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa.

Biên phòng Lạng Sơn tiếp nhận nhiều lao động xuất cảnh trái phép do Trung Quốc trao trả Ảnh: Duy Chiến

Biên phòng Lạng Sơn tiếp nhận nhiều lao động xuất cảnh trái phép do Trung Quốc trao trả Ảnh: Duy Chiến

Tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn có chiều dài trên 231,7 km tiếp giáp Trung Quốc và có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia, 9 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường mòn, ngõ tắt. Đây là điều kiện thuận lợi khiến nhiều lao động trong và ngoài tỉnh dễ dàng xuất cảnh trái phép.

Tai nạn thương tâm

Theo báo cáo của các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, thực trạng xuất nhập cảnh (XNC) trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp. Mỗi năm, làn sóng “di dân” trái phép sang Trung Quốc ngày một tăng.

Họ là những người không có việc làm ổn định, nhận thức pháp luật còn hạn chế, thiếu thông tin, thường bị đối tượng “cò mồi” rủ rê, lôi kéo, hứa hẹn về một mức thu nhập cao khi sang bên kia biên giới làm thuê. Nhiều người phải nộp tiền để được đưa đi, nhưng kết cục là tiền mất, tật mang.

XNC trái phép sang Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro như bị lừa tiền, bị bán, bị công an sở tại bắt, giam giữ, phạt tiền và buộc phải lao động công ích.

Theo báo cáo của Lạng Sơn, tháng 4/2019, lực lượng chức năng thị trấn Bằng Tường (Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây) siết chặt kiểm tra cư trú. Trong một lần bị vây ráp, 2 công dân ở thành phố Lạng Sơn đi làm thuê tại Bằng Tường lo sợ, nhảy từ trên nhà cao tầng xuống đất, kết quả một nam thanh niên tử vong tại chỗ, một lao động nữ bị đạn súng cao su bắn vào mông, bị thương.

Trưa 9/11, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh 4 công dân là nam giới, tuổi đời còn rất trẻ trú tại Bản Tấu, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn vượt biên theo đường “xương cá” tới thành phố Ninh Minh, Trung Quốc tìm đến nhà người chủ làm công việc chặt mía thuê. Trên đường đến Ninh Minh, 4 người gặp tai nạn giao thông khiến 2 người chết, 2 người bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu.

Xác nhận thông tin trên, bà Tạ Thị Thu Hương, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Lộc Bình cho biết, đang phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương thẩm tra, xử lý và bảo hộ công dân theo quy định.

Tống tiền

Sáng 10/11, đại tá Ngô Tiến Dũng, Trưởng Công an huyện Cao Lộc cho biết, cơ quan điều tra vừa nhận được đơn trình báo của ông Vy Văn Toán, trú tại xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc. Ông Toán trình báo: con ông là Vy Thị Nhít (20 tuổi) cùng một người bạn khi đang ở Trung Quốc lao động làm thuê, bị một số đối tượng bắt cóc. Sau đó, nhóm này sử dụng số điện thoại Trung Quốc gọi về cho ông Toán yêu cầu gia đình phải chuyển cho bọn chúng 20 triệu đồng. Nếu không làm theo, con ông sẽ bị đánh đập và bán vào nội địa Trung Quốc.

“Bước đầu chúng tôi xác định nhóm tội phạm này là người Việt Nam liên kết với một số đối tượng xấu ở Quảng Đông, Trung Quốc thực hiện. Chúng tôi đang trao đổi, phối hợp với công an nước bạn để làm rõ, truy bắt đối tượng. Về phía nạn nhân, cũng đã được các ngành chức năng của Việt Nam và Trung Quốc giải cứu thành công, hiện đã trở về nhà an toàn”, đại tá Dũng nói.

Theo báo cáo của công an huyện Cao Lộc, các đối tượng phạm tội thường nhắm vào thanh niên, phụ nữ, trẻ em sinh sống ở gia đình không có công ăn việc làm, nhằm dụ dỗ các em đi làm bên Trung Quốc với công việc nhàn nhã mà lương cao. Tuy nhiên, các nạn nhân sang đến bên kia biên giới liền bị bọn chúng bắt, khống chế, đòi tiền chuộc.

Đại tá Dũng cho biết thêm, nhiều trường hợp gia đình có con đi Trung Quốc lao động, thời gian dài không liên lạc được nên đã đưa thông tin tìm kiếm trên mạng xã hội kèm số điện thoại liên hệ. Vì thế, các đối tượng xấu lợi dụng, chủ động gọi đến nói dối rằng, họ đang tạm giữ hoặc biết địa chỉ của những người mất tích và yêu cầu chuyển tiền cho chúng. Nhiều gia đình nóng lòng, sợ hãi đã “sập bẫy”.

Qua vụ việc trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân không nên xuất cảnh trái phép. Khi xuất cảnh cần làm đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật và phải đăng ký với chính quyền địa phương địa chỉ nơi đến lao động. Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh và phối hợp với lực lượng chức năng địa phương trong truy tìm đối tượng bắt cóc, tống tiền.

Theo thống kê của phòng quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm 2019 đến nay, phía Trung Quốc thông báo trao trả trên 1.800 người Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (trong đó người Lạng Sơn chiếm 1/3, còn lại là các tỉnh). Nhiều người trở về trong tinh thần hoảng loạn, bị đánh đập, mất tài sản.

Nguyễn Duy Chiến

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bi-kich-lao-dong-chui-sang-trung-quoc-1484986.tpo