Bi kịch nhà Gucci

(KTSG) – Câu chuyện gia đình Gucci xảy ra lâu rồi nhưng mấy tuần nay lại nóng lên vì bộ phim House of Gucci do Lady Gaga thủ vai chính. Bộ phim đã làm sống lại bi kịch của một gia đình từng gầy dựng một thương hiệu nổi tiếng năm nay vừa tròn 100 tuổi.

Hãng thời trang Gucci được Guccio Gucci thành lập vào năm 1921 tại Florence, Ý rồi sau đó cùng con trai của mình là Aldo Gucci xây dựng thành một thương hiệu toàn cầu gắn với sự sang trọng, đắt tiền, đẳng cấp thượng lưu. Hiện nay Gucci có gần 500 cửa hàng trên khắp thế giới, doanh thu hàng năm lên đến 10 tỉ euro. Mặc dù thương hiệu được giữ nguyên tên nhưng gia đình Gucci không còn đồng vốn nào trong tập đoàn này nữa. Gucci nay thuộc quyền sở hữu của Kering – một tập đoàn Pháp.

Trước khi qua đời vào năm 1953, Guccio Gucci đã phân chia cổ phần của hãng cho ba người con trai là Aldo, Vasco, Rodolfo. Lúc này Gucci đã phát triển ra khỏi Ý, qua Pháp, rồi Mỹ, Anh và nhiều nước khác, nhưng các người con bắt đầu gấu ó nhau. Đầu tiên Giorgio, con trai đầu của Aldo tung ra thương hiệu Gucci Boutique xem như của riêng mình – sau đó Gucci phải mua lại để sáp nhập vào chung tập đoàn. Đến lượt Paulo, một người con trai khác của Aldo muốn tách ra làm riêng thương hiệu Gucci Plus. Aldo thì bị trách móc là chăm chăm phát triển trên thị trường quốc tế để có lợi cho công ty Gucci America mà ông sở hữu…

Năm 1983, Rodolfo mất, để lại cổ phần cho con trai là Maurizio (đây là một trong hai nhân vật chính của phim House of Gucci). Maurizio từng qua New York làm việc cho bác mình là Aldo, lúc đó là Chủ tịch tập đoàn Gucci, 10 năm sau anh bỏ về Milan và một năm sau khi bố anh mất, Maurizio bắt đầu cuộc chiến pháp lý chống lại bác ruột của mình để giành quyền điều hành công ty.

Maurizio cho rằng chủ trương sản xuất hàng đại trà của Aldo làm loãng giá trị thương hiệu Gucci. Ông bác Aldo (trong phim do Al Pacino thủ vai) cũng không vừa, tố giác Maurizio giả chữ ký của cha mình để trốn thuế thừa kế. Trong thời gian điều tra, số cổ phần 50% ở Gucci của Maurizio bị đóng băng, anh bỏ qua Thụy Sỹ lánh mặt, sau đó được tuyên không có tội mới quay về Ý. Aldo cũng vào ngồi tù một năm vì tội trốn thuế lúc đã 81 tuổi.

“House of Gucci”.

Đến năm 1988, vì thua lỗ đậm sau khi đầu tư xây dựng các tòa nhà trụ sở hào nhoáng, Maurizio bán 47,8% cổ phần Gucci cho quỹ đầu tư Investcorp, cũng là nơi sở hữu thương hiệu Tiffany; được vài năm thì đến 1993 anh ta cũng bán hết phần còn lại cho Investcorp, coi như chấm dứt mối liên hệ giữa gia đình Gucci và thương hiệu này.

Thế nhưng, bi kịch lòng tham không gay cấn bằng bi kịch sát nhân với nhân vật Patrizia Reggiani là vợ của Maurizio. Hai người lấy nhau vào năm 1972 và cùng nhau sang New York. Cha của Maurizio là Rodolfo không vừa lòng với sự chọn lựa của con mình vì ông ta chê Patrizia xuất thân từ một gia đình nghèo, muốn lấy Maurizio là để “đào mỏ”.

Patrizia từng nổi tiếng với câu nói: “Tôi thà khóc trên chiếc Rolls-Royce còn hơn hạnh phúc trên chiếc xe đạp”. Rodolfo không đến dự lễ cưới của con. Họ có với nhau hai mặt con, cặp Maurizio – Patrizia ly hôn vào năm 1994 nhưng cuộc hôn nhân này đã tan vỡ vào giữa thập niên 1980. Năm 1985, Maurizio thu xếp hành lý, bảo với Patrizia đi Florence lo công chuyện nhưng từ đó bỏ nhà ra đi mãi mãi.

Vào một ngày cuối tháng 3-1995, khi Maurizio đi bộ đến chỗ làm tại Milan, vừa bước lên bậc thềm tòa nhà công ty thì bị bắn 4 phát đạn vào người. Maurizio, lúc đó vừa tròn 46 tuổi, gục chết ngay tại hiện trường. Cũng ngày hôm đó người vợ cũ ghi nhật ký vỏn vẹn một chữ: “paradeisos” – thiên đường! Bà ghen tức với người chồng cũ, lúc đó đang hẹn hò với Paola Franchi, một nhà thiết kế nội thất. Ngay sau khi ly hôn, Patrizia bị cấm sử dụng họ Gucci, nhưng bà phớt lờ. Lúc đó bà tuyên bố với báo chí Ý: “Tôi vẫn cảm thấy mình như một Gucci chính cống, thiệt tình còn Gucci hơn cả bọn họ”. Cuộc điều tra vụ án mạng kéo dài trong hai năm.

Đến tháng 1-1997, Patrizia bị bắt với cáo buộc thuê người giết chồng cũ vì Maurizio sắp kết hôn với Paola, cuộc hôn nhân này sẽ làm tiền trợ cấp cho Patrizia giảm một nửa, còn 860.000 đô la Mỹ mỗi năm. Năm 1998, tại phiên xử đầy kịch tính được báo chí khắp nơi theo dõi tường thuật, người vợ cũ bị tuyên án 29 năm. Tòa kết luận bà này thuê, qua trung gian của một người bạn, một chủ cửa tiệm bánh đang bị nợ ngập đầu bắn chết Maurizio với giá 415.000 đô la Mỹ. Báo chí Ý lúc đó đặt cho bà biệt danh “góa phụ đen”.

Patrizia được tha vào năm 2014 sau khi ngồi tù được chừng 18 năm và ngay sau đó khi một phóng viên hỏi vì sao lại thuê người giết Maurizio, bà trả lời: “Thị lực của tôi không được tốt. Tôi không muốn bắn trượt”. Năm nay bà đã 72 tuổi, vẫn sống ở Milan.

Điều đáng ngạc nhiên là bất kể cáo buộc giết chồng, hiện nay bà vẫn đều đặn nhận tiền trợ cấp sau ly hôn đến 1,47 triệu đô la Mỹ mỗi năm từ gia sản để lại của Maurizio hiện đang do hai người con gái quản lý. Tòa cho rằng thỏa thuận ly hôn ký trước khi vụ án mạng diễn ra vẫn có hiệu lực pháp lý và thậm chí bà còn được trả 22 triệu là khoản tiền trợ cấp dồn lại chưa nhận trong thời gian bà ở tù. Hai người con đang kiện phán quyết của tòa lên tòa án tối cao của Ý.

Đó là cuộc đời. Còn phim, trước tiên, Patrizia tỏ vẻ hài lòng khi Lady Gaga được chọn đóng vai bà vì hai người trông khá giống nhau nhưng bực tức nói, cô ấy không thèm đến gặp tôi, hỏi han tôi một tiếng. Patrizia cũng chê các nhà làm phim không thuê bà tư vấn mặc dù nhấn mạnh bà không nhận một xu nào từ phim House of Gucci. Riêng CEO hiện thời của Gucci là Marco Bizzarri cho biết, công ty ông hợp tác với các nhà làm phim, sẵn sàng cho họ tiếp cận kho lưu trữ của Gucci để tạo dựng chính xác khung cảnh thời ấy. Gia đình Gucci ngược lại, cho rằng bộ phim đã “đánh cắp danh tính của một gia đình để kinh doanh”.

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bi-kich-nha-gucci//