Bi kịch sau hỗn chiến: Kẻ tử, người tù

Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ lúc va quẹt xe, 2 nhóm thanh niên đã chuẩn bị súng, dao, mã tấu, bom xăng… hẹn nhau để giải quyết mâu thuẫn. Hậu quả khiến một người tử vong, 17 bị cáo phải ngồi tù.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: T.Tâm

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: T.Tâm

Trong đó, đối tượng cầm đầu là bị cáo Dương Thanh Sang (20 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) lãnh mức án tù chung thân.

Giải quyết mâu thuẫn bằng súng

Tại phiên tòa xét xử ngày 23-5-2024, bị cáo Dương Thanh Sang không có chút biểu hiện lo sợ, mà điềm tĩnh trả lời rõ ràng từng câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Bị cáo Dương Thanh Sang kể, vào ngày 26-6-2022, khi nghe bị cáo Châu Tuấn Kiệt (20 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) kể lại việc vừa cãi nhau với một thanh niên khác ở đoạn gần công viên Biên Hùng và rủ Dương Thanh Sang đi đánh nhau thì bị cáo đồng ý.

Ngoài Dương Thanh Sang và Tuấn Kiệt, còn có 12 thanh niên khác cùng tham gia đi đánh nhau. Trong đó, Trương Khắc Kiệt (21 tuổi, ngụ phường Trảng Dài) đã mượn 2 khẩu súng của Huỳnh Thế Anh Hào (21 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) để đi đánh nhau. Nhóm của Tuấn Kiệt đã mang theo 2 khẩu súng, dao, kiếm, mã tấu, gậy bóng chày… đến điểm hẹn để “quyết chiến” với đối phương.

Không chịu thua kém, nhóm đối thủ của Dương Thanh Sang là Nguyễn Hữu Tịnh (24 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) và đồng bọn cũng mang theo súng tự chế, bom xăng, dao, mã tấu, kiếm… đi đánh nhau.

Bị cáo Tịnh khai, khi đang điều khiển xe máy lưu thông đến đoạn đường gần công viên Biên Hùng thì xảy ra va quẹt xe với Tuấn Kiệt và hai bên cãi nhau. Để giải quyết mâu thuẫn, hai bên hẹn đánh nhau tại khu vực gần Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa). Trong cuộc hỗn chiến, Dương Thanh Sang đã dùng súng bắn chết Phan Lê Thanh Sang (ngụ thành phố Biên Hòa).

Từ sự nông cạn và bồng bột của các bị cáo đã đẩy đến bi kịch cho nhiều người, nhiều gia đình.

Con dại, cái mang

Mái tóc muối tiêu trong bộ đồ hoa đã sờn vai khiến mẹ bị cáo Tịnh già hơn so với độ tuổi 56. Trên tay bà cầm một xấp giấy tờ về việc ông bà của Tịnh có công với cách mạng để nộp tại tòa, xin cho con được giảm án.

Mẹ bị cáo Tịnh kể, gia đình bà sống ở thành phố Biên Hòa đã mấy chục năm nhưng vì nghèo khó nên vẫn không mua nổi căn nhà và cứ ở trọ. Bị cáo Tịnh thường ngày theo cha đi làm phụ hồ, đến cuối tháng lãnh lương đều đưa tiền cho mẹ phụ lo cho gia đình. Hôm đó, bị cáo xin mẹ đi sinh nhật bạn nhưng không ngờ lại tụ tập đánh nhau và gây ra án mạng. Cũng sau đó, gia đình bà đã chuyển từ thành phố Biên Hòa về huyện Long Thành thuê trọ để giảm chi phí.

Ngay lối giữa phòng xử, bị cáo Đinh Thế Thượng Nguyên (22 tuổi, ngụ phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa) ngồi trên chiếc xe lăn dành cho người tàn tật, kể: Trước đây, bị cáo từng bị tai nạn giao thông và đang trong thời kỳ chữa trị. Khi nghe nhóm bạn nói đi đánh nhau, Nguyên chạy theo với mục đích hỗ trợ bạn với suy nghĩ càng đông càng áp chế được đối phương. Nguyên không ngờ rằng, nhóm bạn mang theo súng và gây ra án mạng và Nguyên cũng bị truy tố tội giết người. Sau khi bị bắt, vì không còn điều kiện chữa trị bệnh đầy đủ nên sau một cơn sốt nặng thì đôi chân Nguyên bị teo dần, không còn khả năng đi lại, phải ngồi xe lăn.

Ngày 23-5, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo cùng ngụ thành phố Biên Hòa gồm: Dương Thanh Sang tù chung thân về tội giết người, 7 năm tù về tội sử dụng, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng (tổng hợp hình phạt là tù chung thân); Châu Tuấn Kiệt 19 năm tù về tội giết người; Trương Khắc Kiệt 17 năm tù tội giết người và 7 năm tù về tội tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng (tổng hình phạt 24 năm tù); Huỳnh Thế Anh Hào 8 năm tù về tội giết người, 2 năm tù về tội tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng (tổng hợp hình phạt 10 năm tù).

Cùng về tội giết người, 10 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 8-12 năm tù/bị cáo. Liên quan trong vụ án, bị cáo Nguyễn Hữu Tịnh (24 tuổi, ngụ phường Trung Dũng) cùng đồng bọn cũng bị tuyên phạt từ 1-5 năm tù/bị cáo về tội gây rối trật tự công cộng.

Bị cáo Nguyên nhìn mẹ, nước mắt muốn chực trào. Nếu không tham gia gây án, bị cáo đã có một đám cưới vẹn toàn với bạn gái. Chỉ vì sự sốc nổi của bản thân đã khiến gia đình bị cáo tan nát, đôi chân bị tật nguyền, bản thân phải lãnh bản án 11 năm tù, đến khi hối hận thì đã quá muộn màng.

Nhưng người phải chịu nỗi đau lớn nhất trong phiên tòa có lẽ là bà N.D., mẹ của anh Phan Lê Thanh Sang, bị hại trong vụ án. Bà là người mẹ bị mất đi người con duy nhất của mình. Sự đau khổ hiện lên trên từng nét mặt, cử chỉ của bà. Khi nghe kể lại việc con mình bị giết, vì không chịu được nỗi đau một lần nữa nên bà thường phải đi ra ngoài để khóc những tiếng nấc nghẹn.

Chịu đựng nỗi đau là thế nhưng bà vẫn nhân từ, bao dung. Tại phiên tòa, bà vẫn mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Bà cho rằng, các bị cáo cũng trẻ như con của bà, vẫn còn bồng bột. Chỉ mong rằng, các bị cáo lấy đây làm bài học đắt giá để mai sau khi ra tù làm người có ích cho gia đình và xã hội.

Hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến tính mạng của người khác và trật tự an toàn xã hội. Do đó, cần xử mức án nghiêm, cách ly ra khỏi xã hội một thời gian tương xứng với vai trò, hành vi của từng bị cáo để răn đe làm gương và cải tạo, giáo dục phòng ngừa chung.

Phiên tòa kết thúc, 17 bị cáo lên xe chở phạm nhân để về nơi giam giữ. Dưới sân tòa, cha mẹ các bị cáo buồn bã bước ra về. Họ luôn tự trách bản thân đã thiếu sự quan tâm, giáo dục để khiến những người con phải tra tay vào còng và chôn vùi tuổi thanh xuân sau song sắt trại giam.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202405/bi-kich-sau-hon-chien-ke-tu-nguoi-tu-7d64a69/