Giữ sạch 'vùng xanh' nơi biên viễn (Kỳ 2): Bắt đúng 'bệnh', điều trị đúng 'thuốc'

Chẳng ai không xót xa khi phải chứng kiến những cảnh đời thậm khổ, cha mất con, vợ mất chồng, trẻ con bơ vơ không nơi nương tựa... vì ma túy ở các làng, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Vì đâu mà những thanh niên trai tráng người Mông, người Thái cứ nhất nhất lao đầu vào ma túy để rồi phải ôm hàng chục 'cuốn lịch' vào 'nhà đá' bóc dần?

Số lượng ma túy “khủng” trong một vụ án được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) triệt xóa ở vùng biên xứ Thanh. Ảnh: Mai Hà

3 nút thắt của một vấn đề

Tôi nhớ lại những lần theo chân bộ đội biên phòng tuần tra biên giới từ những năm 2000, tận thấy những đám cây anh túc được trồng khuất lấp dưới thung sâu thưa vắng người qua lại. Mặt trời chưa tỏ, nhiều đàn ông, đàn bà người Mông vẫn lén lút cầm dao phát quang cây leo bụi rậm vào đó, rạch quả anh túc lấy mủ về làm thuốc phiện phục vụ “thú vui” bàn đèn. Và khi nhà có khách quý, họ vẫn mang “đồ chơi” ấy ra tiếp như để bày tỏ một sự thịnh tình, hiếu khách.

Khi Đảng, Nhà nước tổ chức lực lượng tuyên truyền, vận động, đấu tranh xóa bỏ cây anh túc, chia tay với “nàng tiên nâu”, nhiều đàn ông, đàn bà người Mông lại tìm đường sang Lào mua hồng phiến về “bầu bạn” giải sầu. Từ lời khai của các đối tượng “dính án”, họ chỉ mất từ 7.000 - 9.000 đồng để mua 1 viên hồng phiến từ Lào. Cơm nước xong xuôi, nhiều cặp vợ chồng người Mông lại đặt viên màu hồng sẫm ấy lên giấy bạc, hơ hơ bật lửa ga hít khói, vạ vật trong cơn phê.

Rồi khi được vận động, tự nguyện hoặc cai nghiện bắt buộc, phải khó khăn lắm họ mới thành công, như bộc bạch của Va Thị Mỵ (SN 1977) ở bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi (Mường Lát): “Cái đó nó thích lắm, ngày nào vợ chồng mình cũng chơi. Ốm đau không phải uống thuốc, ngửi khói là khỏe liền. Về sau chồng mình đi tù vì nó, mình sợ nên mới đi cai. Mà cai cũng khó lắm, mình phải nghĩ đến con thì mới bỏ được nó”.

Thế đó, ốm đau không cần mua thuốc, chỉ cần ma túy, vui cũng hồng phiến, buồn cũng hồng phiến. Đám cưới người ta mang hồng phiến để mời nhau, còn đám ma thì sử dụng hồng phiến để có sức trông thi thể treo lơ lửng trên vách nhà bốn năm ngày đêm... Rồi cuộc sống bám chặt vào nương rẫy thất thường bữa đói bữa no, đói cơm rét áo, người ta sẵn sàng đi buôn, hoặc vận chuyển thuê ma túy kiếm tiền hút chích. Mà có nhiều nhặn chi cho đáng, vài năm trước, có đối tượng được thuê vận chuyển khối lượng lớn ma túy đủ cho mức án chung thân từ xã Trung Lý (Mường Lát) về xã Phú Thanh (Quan Hóa) để giao cho khách với giá 1 triệu đồng. Đó là chuyện của Vàng A So (SN 1988), người bản Cánh Cộng, xã Trung Lý (Mường Lát). Còn mới đây, tháng 7/2023, Hà Văn Thiển (SN 1982), ở xã Thiết Kế (Bá Thước) cũng bị bắt khi đang vận chuyển thuê 1.806 viên hồng phiến từ xã biên giới Tam Thanh (Quan Sơn) về huyện Bá Thước để được trả công... 2 triệu đồng.

Qua những vụ án ma túy đã được phanh phui, đưa ra ánh sáng công lý, phần đa đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy là những con nghiện có “số má”. Khi không vơ được gì bán lấy tiền để thỏa “cơn phê” thì sẵn sàng tiếp tay cho những tên cầm đầu, đi vận chuyển thuê và được trả công bằng... ma túy. Như Giàng A Bạng (SN 1983) ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) được thuê vận chuyển 42 viên hồng phiến giao cho khách để được trả công 6 viên về dùng.

Vậy là, chính những con nghiện trời đánh kia được lang thang vạ vật ngoài cộng đồng đã trở thành lực lượng chân rết đáng tin cậy của “ông trùm, bà sỏ” đường dây ma túy. Thói quen sử dụng ma túy, đói nghèo và thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên viễn đã là một nút thắt khó gỡ.

Mà có cầu thì sẽ có cung, bởi phía bên kia biên giới, ma túy đã sẵn có. Từ thực tiễn công tác đấu tranh, Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Thanh Hóa), lý giải: Ma túy tuồn vào địa bàn tỉnh bằng nhiều đường, cả đường bộ, đường hàng không, đường biển, nhưng phức tạp nhất vẫn là khu vực biên giới ở 5 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh và Thường Xuân, tiếp giáp với 33 bản, thuộc 3 huyện Viêng Say, Sầm Tớ, Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Trong đó địa bàn huyện Mường Lát phức tạp hơn cả, do đây là địa bàn tiếp giáp với nước bạn Lào và tỉnh Sơn La, rất phức tạp về ma túy.

Mà ở phía ngoại biên, ma túy được các đối tượng tổ chức thành đường dây hoạt động khép kín thành nhóm vũ trang mang theo vũ khí “nóng”, vận chuyển từ khu vực “Tam Giác Vàng” về tỉnh Hủa Phăn rồi tập kết tại các cụm bản biên giới giáp Việt Nam. Từ đây, ma túy được các đối tượng người Việt sang mua, vận chuyển về, hình thành nên các tụ điểm “nóng” về ma túy như ở Mường Lát (Thanh Hóa), xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La), các xã: Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu (Hòa Bình)...

Nguồn cung dồi dào tập kết sẵn ở khu vực biên giới kéo dài với nhiều đường mòn lối mở, trong khi lực lượng chức năng mỏng, lại kiêm nhiều nhiệm vụ. Còn người dân thiếu hiểu biết pháp luật vẫn cứ mua ma túy sử dụng, hoặc vận chuyển thuê... Vậy nên những “đại ca”, “ông trùm” ma túy vẫn luôn có đất “dụng võ” nơi biên viễn đói nghèo.

Và nút thắt còn lại nằm ở cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy. Thậm chí ở nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, cho rằng trách nhiệm phòng, chống ma túy là của lực lượng công an và bộ đội biên phòng. Mà thực tế chứng minh, ở nơi nào, cấp ủy vào cuộc mạnh mẽ, thì ở đó sẽ sớm “sạch” về ma túy.

Như ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi, nằm ven Quốc lộ 15C, giữa địa bàn phức tạp về ma túy ở Mường Lát chẳng hạn. Từ những năm 2015, cấp ủy chi bộ, ban quản lý bản đã đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động bà con phá bỏ cây anh túc, rồi động viên người nghiện tự nguyện đi cai. Khi người dân đã hiểu biết pháp luật và tác hại của ma túy thì chẳng ai dại dột “dính” vào con đường tội lỗi. Và Pù Toong “sạch” ma túy từ rất sớm, là bản đầu tiên trong vùng đồng bào Mông ở Thanh Hóa được công nhận danh hiệu NTM vào năm 2019.

Vào cuộc “hạ nhiệt” những “điểm nóng”

Cuộc “gỡ thắt” ma túy ở vùng biên xứ Thanh được bắt đầu ngay sau Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy được ban hành. Từ đây, vị trí của công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy được xác định rõ là đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, sự quản lý thống nhất của chính quyền các cấp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó, lực lượng công an Nhân dân là nòng cốt, chủ trì.

Công an xã Pù Nhi (Mường Lát) tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh Đỗ Đức

Có Đảng lãnh đạo trực tiếp, cả hệ thống chính trị ở Thanh Hóa đã vào cuộc mạnh mẽ, cùng với các lực lượng chức năng tạo nên sức mạnh trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Chẳng hô hào khẩu hiệu, cấp ủy, chính quyền các huyện vùng biên xứ Thanh đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương, quyết liệt bằng nhiều giải pháp đồng bộ, cách làm thiết thực và đã phát huy được vai trò trong thực tiễn đời sống.

Tại “điểm nóng” Mường Lát, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 3 chương trình trọng tâm, trong đó có chương trình về đảm bảo an ninh trật tự. Và để cụ thể hóa chương trình này, Huyện ủy Mường Lát đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giai đoạn 2021-2025. Từ đây, công tác phòng, chống ma túy đã được giao trách nhiệm cho từng cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu, xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và người đứng đầu.

Còn tại huyện Quan Hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Ngoài xác định địa bàn phức tạp và thời gian, lộ trình tập trung chuyển hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quan tâm bố trí cán bộ có trình độ năng lực, giàu kinh nghiệm thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, đảm đương các vị trí chủ chốt, đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tập hợp Nhân dân cùng vào cuộc đấu tranh với tội phạm ma túy...

Đó là những chủ trương ra đời từ đòi hỏi cấp bách của thực tiễn và hướng về người dân. Bởi nó đánh đúng, đánh trúng và gỡ bỏ một “nút thắt” phức tạp về ma túy, đó là thói quen sử dụng và sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân. Và sâu hơn, những chính sách ấy còn huy động các cấp ủy, chính quyền tập trung phát triển các mô hình kinh tế, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân. Như lời Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa Hà Văn Thủy: “Việc cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề gốc cốt lõi. Thực tiễn đã chứng minh, khi cuộc sống của người dân được cải thiện, họ phá bỏ, không tái trồng cây anh túc, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng”.

Là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống ma túy, tháng 5/2022, Công an tỉnh Thanh Hóa đã mở cao điểm phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh. Trong cao điểm này, Công an tỉnh đã tập trung lực lượng đấu tranh, triệt xóa các đường dây, tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy. Trong đó tập trung đánh mạnh các đối tượng cầm đầu, đường dây mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời điều tra, xác định đối tượng nghiện và tình trạng nghiện trên địa bàn toàn tỉnh để quản lý... Công tác đấu tranh được thực hiện trên nhiều tầng, nhiều lớp, ở cả ngoại biên, chính biên và nội biên.

Riêng đối với huyện Mường Lát, tháng 6/2022, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy. Từ đây các lực lượng công an trong tỉnh, nòng cốt là lực lượng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã được huy động, chi viện, “chia lửa” với Mường Lát.

Thượng tá Lê Khắc Minh khẳng định: Biên giới yên thì nội địa sẽ yên. Các lực lượng công an trong tỉnh đã tích cực, khẩn trương phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh, tỉnh giáp ranh và nước bạn Lào tập trung thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy với phương châm “đánh cả đường dây, bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, không đánh khúc giữa”. Đồng thời xác định rõ quan điểm chỉ đạo tất cả các vụ án về ma túy bắt giữ phải đi lên từ công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc diễn biến, quy luật hoạt động, nguồn ma túy, thu thập tài liệu xác định hành vi phạm tội của đối tượng trước khi phá án; tuyệt đối không được bắt giữ đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy khi chưa tổ chức công tác trinh sát để làm rõ được nguồn cung của đối tượng.

Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ ấy đã và đang đặt “dấu chấm hết” cho tình trạng mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép ma túy, để xanh tươi trở lại vùng biên xứ Thanh...

Đỗ Đức

Kỳ 3: Số phận của những “đại ca”, “ông trùm”.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giu-sach-vung-xanh-noi-bien-vien-ky-2-bat-dung-benh-dieu-tri-dung-thuoc-217625.htm