Bi kịch từ rượu cồn công nghiệp

Nghiện rượu đáng sợ không kém nghiện ma túy và để lại hậu quả khôn lường cho gia đình và xã hội. Bất lực, tuyệt vọng, bức xúc, xấu hổ… là vô vàn cảm giác khó chịu đã ngự trị và xâm chiếm tâm trí của những người vợ, người con, kết tụ thành 'quả bom' ứ đầy cảm xúc tiêu cực, dẫn đến bùng nổ thành bạo lực gia đình. Bi kịch hơn, còn là những cái chết tức tưởi do ngộ độc rượu gây ra…

Giải khuây bằng rượu và kết cục đau lòng

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 10, bệnh viện đã tiếp nhận chữa trị nhiều ca ngộ độc rượu nặng với tình trạng chung là lơ mơ, hôn mê, đã có 3 ca tử vong, các ca còn lại đa phần đều phải thở máy, lọc máu và điều trị tích cực, một số bệnh nhân tiên lượng rất xấu.

Bệnh nhân ngộ độc rượu cồn công nghiệp điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất.

Trong đó, bệnh nhân N.V.T. 60 tuổi ngụ tại ấp 2, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch nhập viện vào tối 9-10 trong tình trạng đau đầu, hôn mê, nhồi máu não, suy hô hấp và ngưng tim nhiều lần ngay khi nhập viện. Do tình trạng nặng nên gia đình đã xin xuất viện về nhà. 10 bệnh nhân tuy không nhập viện cùng lúc nhưng nhiều người ở cùng một một xã và có thể mua rượu cùng một chỗ.

Nạn rượu bia luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Điều đáng nói, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người ở nhà rảnh rỗi nên tìm đến rượu giải khuây. Bà Nguyễn Thị Lành, ngụ xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch buồn bã cho biết, chồng bà là ông L.T.H mới ngoài 50 tuổi mà có thâm niên ngót 20 năm rượu bia, ông H. đã là người nghiện rượu nặng, là “ma men” không còn biết đến danh dự, nhân phẩm là gì nữa.

Trước dịch, ông H. thường đi xúc đất cho các công trình xây dựng, có tiền xài nên uống bia. Dịch bệnh ông không đi làm được nên chỉ mua rượu uống. “Rượu gì ông ấy cũng cho vào bụng được, miễn nó là thứ cay cay, đắng đắng. Uống xong là say, đi đứng khệnh khạng, nói năng mất kiểm soát. Người ta uống rượu cho vui, còn chồng tôi uống vì đam mê, nghiện ngập. Một mình cũng uống rồi tự mình vui”, bà Lành đau khổ tâm sự.

Bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc rượu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Nghe tin người trong làng ngộ độc rượu phải đi cấp cứu, trong đó có mấy ông là bạn rượu của mình, ông H. có chút sợ hãi không dám uống rượu nữa mà chuyển sang uống bia. Cách đây hơn 1 năm, ông H. từng bị ngộ độc rượu khi lên TP Hồ Chí Minh làm công trình xây dựng. Đận đó, ông được anh em đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu kịp thời nên bảo toàn tính mạng.

Di chứng từ vụ ngộ độc rượu khiến ông H. không thể tiếp tục làm phụ hồ, bởi nó tàn phá sức khỏe và thần kinh. Ông H. trở về quê, ai thuê gì làm nấy, riêng khoản rượu bia thì ông không thể từ bỏ được. Bà Lành cho biết, do uống quá nhiều rượu nên đầu óc chồng mình không còn tỉnh táo, lúc nhớ lúc quên.

Mấy ngày nay, gia đình chị N.T.P, ngụ xã Long Thọ như ngồi trên đống lửa vì có người nhà bị ngộ độc rượu đang rất nguy kịch. Mẹ chị P. đau đớn nằm vật ra nhà, không thiết làm gì, cứ khóc suốt. Mọi việc ở bệnh viện như thế nào đều một tay chị P. sắp xếp. Ba chị P. không phải là người nghiện rượu, thỉnh thoảng có công chuyện gì mới uống. Hôm ấy, vì huyện nhà nới lỏng giãn cách, ba chị P. đi mua rượu về giải tỏa, chào mừng “ngày bình thường mới”.

Đang “lai rai” chưa kết thúc cuộc nhậu thì ba chị P. có dấu hiệu co giật, nhịp thở không đều, da tím tái. Ông chỉ ú ớ được vài câu rồi ngã lăn xuống chiếu. Người nhà tưởng ông bị trúng gió, thi nhau cạo gió, xoa dầu nhưng dấu hiệu mỗi lúc một nặng, lay gọi thì ông không nhận thức được gì nữa. Gia đình nhanh chóng đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ cho biết, ông bị ngộ độc rượu, tình trạng nặng.

Uống bia rượu ở một mức độ nhất định thì sẽ có tác dụng tốt đến sức khỏe. Còn lạm dụng rượu bia, uống không kiểm soát thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe chính mình và gây hại cho xã hội. Mặt khác, rượu uống có nhiều loại được phân chia theo nguồn gốc, từ sản phẩm lên men rượu đến các loại tinh bột (Gạo, ngô, sắn, hoa quả, dịch đường...). Rượu uống được sản xuất từ nguồn nguyên liệu là thực phẩm, được ủ với men rượu và chưng cất theo phương pháp dân gian hay công nghiệp. Tuyệt đối không được sử dụng cồn công nghiệp để pha chế rượu. Nhưng vì lợi nhuận, các chủ rượu vẫn pha chế và mang bán ra thị trường dẫn đến những cái chết thương tâm do ngộ độc.

Báo động đỏ

TP Hồ Chí Minh vừa nới lỏng giãn cách xã hội thì một số bệnh viện đã liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhiều ca tử vong. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP Hồ Chí Minh cho biết, kể từ ngày 1-10 đến nay, các bác sĩ liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol.

Nhiều ca bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch, tiên lượng rất xấu.

Bệnh nhân nam N.V.T (sinh năm 1963, ngụ Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, lơ mơ và hôn mê. Qua khai thác bệnh sử, người làm chung với bệnh nhân cho biết tối trước khi nhập viện, bệnh nhân có mua và uống rượu đế ở tiệm tạp hóa nhỏ gần nhà.

Đến 3 giờ sáng hôm sau, bệnh nhân bắt đầu nói sảng, than chóng mặt, nôn ói, sau đó lơ mơ. Trong số này, có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê, khó thở, tím tái, suy hô hấp, rối loạn cân bằng nước, điện giải, nhìn mờ, suy gan, suy thận, tăng đường huyết, phải hồi sức tích cực. Chỉ trong tuần đầu tháng 10, Khoa Cấp cứu bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tiếp nhận 9 ca ngộ độc rượu, 3 ca xin về vì tiên lượng rất xấu. Tính riêng ngày 7-10, có 4 ca nhập viện vì ngộ độc methanol, chủ yếu ở huyện Bình Chánh.

Còn ghi nhận tại Bệnh viện Thống Nhất, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng 1 tháng qua, bệnh viện tiếp nhận dồn dập 12 bệnh nhân bị ngộ độc methanol nhập viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương tim mạch, giãn huyết áp. 6 bệnh nhân trong số đó đã tử vong, đa số đều là lao động nghèo.

Đặc biệt, có trường hợp cả hai cha con đều uống rượu từ cồn công nghiệp dẫn đến ngộ độc và rơi vào tình trạng nguy kịch. Mặc dù các nạn nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng người con trai là anh A.P đã tử vong. Còn người cha đến nay không có dấu hiệu tiến triển, người nhà muốn xin cho về.

Sử dụng cồn công nghiệp để pha chế rượu gây tác hại khôn lường đến sức khỏe con người.

Những người dân sống cùng xóm trọ với cha con nạn nhân A.P cho biết, hoàn cảnh gia đình anh P. rất khó khăn. Hai cha con là lao động tự do. Trong thời gian mất việc phải ở nhà, họ thường xuyên dùng rượu giải tỏa căng thẳng. Vì không có tiền nên họ chỉ mua được các loại rượu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc dẫn đến hệ lụy thương tâm.

Tại một số xóm trọ vùng ven của huyện Bình Chánh, rất nhiều người lao động thích uống rượu và thường xuyên sử dụng rượu trắng không nhãn mác, không bao bì xuất xứ làm thú vui tiêu khiển, giải khuây lúc nông nhàn. Mặc dù có nhiều cái chết thương tâm từ việc uống rượu, ngộ độc rượu, nhưng dường như các “ma men” bỏ ngoài tai trước lời cảnh báo nguy hiểm ấy.

Phó giáo sư, Bác sĩ Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: “Tất cả các trường hợp vào viện cấp cứu đều được xác định ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol. Rượu được pha chế bằng cồn công nghiệp methanol có giá bán rẻ hơn nhiều rượu nấu bằng gạo (ethanol) nhưng tai hại của rượu cồn công nghiệp rất lớn. Loại rượu này sẽ tác động xấu đến hệ thần kinh trung ương và các cơ quan, gây tổn thương và để lại những ảnh hưởng lớn cho sức khỏe”. Trước tình trạng báo động đỏ của ngộ độc rượu, Bệnh viện Thống Nhất đã có báo cáo gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và cơ quan cảnh sát điều tra các quận: Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân…để có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này.

Tình trạng ngộ độc rượu cồn công nghiệp đã diễn ra trong nhiều năm, ở nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, tại TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây số ca ngộ độc thực phẩm được ghi nhận tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Thống Nhất là hơn 20 trường hợp.

Sau khi ghi nhận các vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, ban đang khẩn trương phối hợp với các lực lượng liên quan của chính quyề

n địa phương điều tra làm rõ nguyên nhân. Ban tiến hành kiểm tra, truy xuất, ngăn chặn các sản phẩm rượu không đảm bảo an toàn lưu thông ngoài thị trường. Quá trình điều tra bước đầu, ban đã phát hiện một số đơn vị nghi ngờ và đang lấy mẫu phân tích hàm lượng methanol để củng cố hồ sơ, xử lý hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cảnh báo, tình trạng ngộ độc rượu xảy ra là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo các chuyên gia hóa học, rượu được pha từ cồn công nghiệp với nước và hương liệu tuy không được ngon, không được tốt nhưng không hẳn đã là rượu độc có thể gây tử vong, với điều kiện cồn công nghiệp phải được xử lý hết độc tố và các nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, quy trình xử lý độc tố trong cồn công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, mất rất nhiều tiền. Vì thế, những người dùng cồn pha rượu, chạy theo lợi nhuận chắc chắn bỏ qua khâu này.

Cồn công nghiệp có chứa các độc tố như aldehyde, metanol,... gây ngộ độc. Đây là các chất cực độc, uống vào nếu không tử vong cũng gây ra viêm gan, nhiễm độc, suy thận cấp, viêm thị giác dẫn đến mù lòa và bị cấm hoàn toàn trong thực phẩm.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/bi-kich-tu-ruou-con-cong-nghiep-i631968/