Bí kíp đưa cá hồ Thác Bà chinh phục thị trường nội địa
Huyện Yên Bình đã khuyến khích, hỗ trợ phát triển xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết, kết hợp với xúc tiến thương mại có hệ thống.
Dựa trên lợi thế Hồ Thác Bà có diện tích mặt nước rộng gần 20.000ha, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái hiện có 2 DN, 5 HTX và trên 300 hộ dân nuôi trồng thủy sản với trên 2.200 lồng nuôi cá và hơn 230ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá.
Với tổng sản lượng thủy sản mỗi năm khoảng 9.000 tấn, huyện Yên Bình đã và đang thúc đẩy sức mạnh nội lực của các đơn vị, DN, HTX trong việc đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm cá hồ Thác Bà vươn xa trên thị trường.
Chưa đầy 10 năm trước ở Yên Bình, cá, tôm, cua với nhiều loại, nhiều trọng lượng khác nhau được giao dịch theo kiểu thuận mua vừa bán. Vậy nên không khó hiểu khi cùng một loại sản phẩm, cùng một trọng lượng nhưng giá bán lại khác nhau; không những vậy giá cả còn thay đổi theo ngày, thậm chí theo buổi chợ.
Thế nhưng hiện nay, thủy sản hồ Thác Bà đã mang một diện mạo mới, các loại cá hồ đã xuất hiện tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối ở nhiều tỉnh thành và được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Bệ phóng làm nên sự thay đổi ngoạn mục cho những sản phẩm từ cá hồ Thác Bà chính là do huyện Yên Bình đã khuyến khích, hỗ trợ phát triển xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết, kết hợp với xúc tiến thương mại có hệ thống.
“Trong thời gian qua, huyện đã tập trung tranh thủ các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của tỉnh Yên Bái. Bên cạnh đó, để quản lý hiệu quả công tác nuôi trồng thủy sản, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX, các hộ dân khi đăng ký mới các vùng nuôi cá phải đảm bảo đúng theo quy hoạch của tỉnh”, ông Lã Tuấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty CP Nghiên cứu và ứng dụng dịch vụ khoa học T&T ở thị trấn Thác Bà công ty đã áp dụng nghiêm quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, vừa đảm bảo năng suất chất lượng vừa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá hồ Thác Bà. Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc công ty cho biết, hiện nay công ty cũng đã liên kết với các đơn vị sản xuất trong và ngoài tỉnh để đưa sản phẩm cá hồ Thác Bà tiêu thụ rộng rãi tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.
“Hiện tại sản phẩm của công ty đã được đưa vào hệ thống siêu thị như Vinmart, Aeon hay như Lotte ở Hà Nội, cũng đã khẳng định được chất lượng. Hướng tới công ty sẽ tiến hành mở rộng ở các tỉnh khác”, ông Tuấn cho biết.
Vững chắc từ nguồn nguyên liệu cũng đã thúc đẩy các DN ở huyện Yên Bình đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm chuyên sâu từ cá hồ Thác Bà. Công ty TNHH chế biến thủy sản sạch Hải Hà, xã Hán Đà, huyện Yên Bình là đơn vị đặt viên gạch đầu tiên trong việc chế biến sâu cá hồ Thác Bà thành các sản phẩm như chả cá, giò cá, xúc xích cá, ruốc cá... Rất nhanh chóng, công ty đã xây dựng được thương hiệu và đưa các sản phẩm vào hệ thống các siêu thị lớn, cửa hàng OCOP ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ.
Ông Nguyễn Quyết, Giám đốc công ty Hải Hà chia sẻ, để đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ, công ty đã liên kết với HTX thủy sản Hoàng Kim duy trì nuôi 300 lồng nuôi cá lăng, tầm, diêu hồng... “Trước đây cá bán cho tư thương hay bị ép giá, nhưng khi công ty sản xuất được sản phẩm chuyên sâu, nâng được giá trị sản phẩm từ đó tạo được nguồn thu cho các đơn vị.
Năm 2019, cá hồ Thác Bà đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cá hồ Thác Bà đặc sản Yên Bái”. Đây là bước đệm mở ra cơ hội liên kết, hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng tầm thương hiệu sản phẩm cá hồ Thác Bà, đồng thời hỗ trợ tạo lập chuỗi liên kết bền vững trong hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, huyện đã đăng ký triển khai thực hiện 9 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó có 2 dự án hỗ trợ cho các DN, HTX và người dân phát triển sản xuất, nuôi cá lồng theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu đã triển khai khá hiệu quả chuỗi giá trị này; đã kết nối được giữa nhà sản xuất, chế biến sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm.
Với nhiều giải pháp đã triển khai, đến nay, huyện Yên Bình đã xây dựng được 6 sản phẩm OCOP từ cá hồ Thác Bà, trong đó có những sản phẩm đã có mặt tại các thị trường khó tính, các chuỗi siêu thị bán lẻ lớn.
Bà Đồng Thị Hiền, Giám đốc HTX sản xuất, chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh phấn khởi cho biết, từ tỉnh, huyện và các đơn vị hỗ trợ đã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm. Ngoài ra các đơn vị cũng đã hỗ trợ tham gia vào các chương trình giới thiệu trực tiếp vào tới các cửa hàng, siêu thị của các tỉnh, thành phố.
Huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 9.200 tấn, trong đó 50% sản lượng được chế biến xuất khẩu, nâng giá trị thu nhập bình quân/1ha nuôi trồng thủy sản đạt 300 triệu đồng/năm. Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển chung của địa phương./.