Huyện Lạc Thủy nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, huyện Lạc Thủy tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), qua đó tạo nguồn lực giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương.

Những năm qua, huyện Lạc Thủy tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), qua đó tạo nguồn lực giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương.

Từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Lạc Thủy đạt 58%. Ảnh chụp tại Công ty CP may Lạc Thủy, xã Phú Nghĩa.

Từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Lạc Thủy đạt 58%. Ảnh chụp tại Công ty CP may Lạc Thủy, xã Phú Nghĩa.

Xã Phú Thành có 4 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) là: Lũ, Đồng Danh, Tân Lâm, Chùa. Thời gian qua, xã đã huy động, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho người dân. Đồng chí Màu Đăng Ưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành cho biết: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đã đạt hiệu quả thiết thực. Hoạt động đầu tư, hỗ trợ được triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng. Trong năm nay, tiếp tục thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN, xã triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại 4 thôn, tổng nguồn vốn trên 1,8 tỷ đồng với 68 hộ tham gia, gồm 30 hộ nghèo, 35 hộ cận nghèo, 2 hộ thoát nghèo và 1 hộ chính sách.

Huyện Lạc Thủy có 8/10 xã, thị trấn thuộc vùng ĐBDTTS, 15 thôn ĐBKK; trong đó, dân tộc Mường chiếm 40,75%. Để chăm lo, ổn định đời sống ĐBDTTS, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình. Chủ động phân bổ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án như: Phát triển hạ tầng KT-XH; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; xây dựng sản phẩm OCOP...

CTMTQG gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN được huyện đặc biệt chú trọng và tập trung triển khai. Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Tiểu dự án 2 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng ĐBDTTS&MN (thuộc Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị), huyện hỗ trợ trên 3,6 tỷ đồng cho 15 thôn ĐBKK để phát triển sản xuất. Từ nguồn kinh phí này có 225 hộ nghèo, cận nghèo tham gia thực hiện 4 dự án chăn nuôi gà Lạc Thủy, 6 dự án chăn nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế gia đình.

Cùng với các CTMTQG, chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ tiền điện, vốn tín dụng, hỗ trợ học sinh vùng ĐBDTTS&MN... cũng được đẩy mạnh. Trong đó, thực hiện Chương trình 135, giai đoạn 2019 - 2020, huyện vừa tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn ĐBKK, góp phần làm thay đổi cơ bản kết cấu hạ tầng, vừa hỗ trợ phát triển sản xuất để đa dạng hóa sinh kế cho người dân vùng ĐBDTTS. Từ tổng nguồn vốn trên 10,1 tỷ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng 35 công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa... tại các thôn ĐBKK. Bên cạnh đó, hỗ trợ 15 dự án nuôi bò sinh sản, nuôi gà, dự án mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.

Với mục tiêu nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập cho người dân vùng DTTS, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương quan tâm đẩy mạnh, qua đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã mở 59 lớp đào tạo nghề cho trên 1.700 lao động; tạo việc làm tại chỗ cho trên 823 lao động; qua 815 dự án vay vốn giải quyết việc làm tạo việc làm mới cho 5.350 lao động.

Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lạc Thủy cho biết: Việc thực hiện các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế cho vùng ĐBDTTS&MN thời gian qua đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Người dân dần thay đổi phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đóng góp vào phát triển KT-XH chung của toàn huyện, đưa huyện về đích NTM năm 2020. Đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 58%; thu nhập bình quân đầu người đạt 83,6 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,45%.

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/195583/huyen-lac-thuy-nang-cao-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so.htm