Bị liệt sau phẫu thuật, người đàn ông bất ngờ tìm được giọng nói
Sau ca phẫu thuật do tai nạn giao thông, ông T. bị liệt dây thanh quản, không thể nói khiến cuộc sống bị đảo lộn nhiều.
Ông Trần Văn T., 57 tuổi ở Hạ Hòa, Phú Thọ vốn có tiền sử tăng huyết áp, loạn nhịp hoàn toàn, suy tim. Cuối tháng 8 vừa qua, ông không may bị tai nạn giao thông và được phẫu thuật cắt thận trái.
Sau khi phẫu thuật thành công, người bệnh mất tiếng, nói khàn, ra viện dùng thuốc theo đơn nhưng không đỡ. Mức độ nói khàn ngày càng tăng, mệt mỏi, khó thở khi gắng sức.
Sau đó ông được gia đình đưa đến khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, BV đa khoa Phú Thọ thăm khám, nội soi tai - mũi - họng. Bác sĩ chẩn đoán ông bị liệt dây thanh trái, chỉ định chuyển sang Trung tâm Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng điều trị.
BS Lê Sơn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng cho biết, ngoài khó nói, bệnh nhân còn dễ sặc nước khi uống, đây chính là cản trở lớn trong quá trình điều trị khiến việc uống thuốc gặp nhiều khó khăn.
Do đó, bác sĩ chuyển phương pháp điều trị chính cho người bệnh là châm cứu kết hợp tập phát âm.
Sau 4 ngày điều trị, người bệnh bắt đầu nói dễ dàng hơn, đỡ hụt hơi, đỡ mệt mỏi. Sau 7 ngày, giọng nói gần như bình thường, không hụt hơi, không khó thở, uống nước không còn bị sặc. Kết quả nội soi tai mũi họng cho thấy dây thanh trái đã di động tốt.
Tìm lại được giọng nói, ông T. không giấu nổi vui mừng, hồ hởi chia sẻ: “Khi nghe bác sĩ kết luận mình bị liệt dây thanh quản, tôi không lường được cuộc sống bị đảo lộn nhiều đến vậy. Suốt hơn 1 tháng không nói được, tôi đã nghĩ đến cảnh mình bị tàn phế, không phục vụ được chính bản thân và gia đình cũng như mất khả năng trao đổi, trò chuyện với bạn bè. Tôi thật sự rất hoang mang và lo lắng. May mắn, giờ mọi thứ đã trở lại bình thường, tôi cảm giác như mình được sống một cuộc đời mới”.
Theo BS Hùng, cấu tạo của dây thanh gồm 2 nếp cơ nằm ngay vị trí lối vào của đường thở. Khi phát âm, 2 nếp cơ khép lại chạm nhau ở đường giữa, rung lên và tạo ra âm thanh. Trong thì nghỉ, 2 dây thanh ở vị trí mở ra giúp thở dễ dàng.
Có rất nhiều nguyên nhân gây liệt dây thanh, ngoài tổn thương sau phẫu thuật còn có các nguyên nhân khác như: Chấn thương cổ và ngực, đột quỵ, u ác tính hoặc lành tính gây chèn ép cơ, sụn và thần kinh chi phối thanh quản gây liệt, nhiễm trùng, bệnh lý thần kinh như Parkinson gây yếu dây thanh...
Liệt dây thanh có thể liệt một bên hoặc hai bên, song liệt dây thanh bên trái phổ biến hơn. Tùy vào từng nguyên nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp, một số trường hợp chèn ép đường thở phải mở nội khí quản.
Trong nhiều trường hợp, thay vì dùng thuốc, bác sĩ có thể áp dụng châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, tập phục hồi chức năng.