Tuy bị Exchange 106 của Malaysia cướp ngôi đầu bảng tại Đông Nam Á, tòa Landmark 81 vẫn nằm trong top những tòa nhà cao nhất châu Á.
Với chiều cao 829,8 m, Burj Khalifa hay còn được biết đến với tên Burj Dubai giữ vị trí cao nhất thế giới suốt 10 năm qua, từ khi công trình hoàn thành năm 2009. Ảnh: Shutterstock.
Tháp Thượng Hải, được hoàn thành vào năm 2015 với chiều cao 631,85 m. Được thiết kế bởi công ty kiến trúc Gensler có trụ sở tại San Francisco, tòa tháp có 128 tầng nổi và 5 tầng hầm. Tháp Thượng Hải nằm cạnh Trung tâm Tài chính Thế giới Thượng Hải, công trình thấp hơn 451 m so với “anh hàng xóm”. Theo ước tính, công ty xây dựng và phát triển Yeti sở hữu tòa tháp Thượng Hải đã chi ra khoảng 2,4 tỷ USD để hoàn thành công trình này. Ảnh: Tetra Tech.
Được thiết kế bởi Kohn Pedersen Fox Associates, Trung tâm tài chính Ping An nằm ở trung tâm công nghiệp Thâm Quyến (Trung Quốc). Hoàn thành vào năm 2017 với chiều cao 599 m, tòa nhà này đã trở thành công trình cao thứ 4 thế giới. Trung tâm Ping An có 110 tầng nổi và 5 tầng hầm, phần lớn dành riêng cho không gian văn phòng, khách sạn, trung tâm hội nghị và bán lẻ. Đây cũng là trụ sở của công ty bảo hiểm Ping An. Ảnh: Arch Daily.
Tòa nhà duy nhất đến từ Hàn Quốc nằm trong danh sách top 10 là Lotte World Tower. Đây là tòa nhà cao thứ 5 trên thế giới với 555,65 m. Cấu trúc tòa nhà này gồm 123 tầng, với 260 phòng khách sạn và được hoàn thành vào năm 2016. Tòa tháp Lotte World cũng được thiết kế bởi Kohn Pedersen Fox Associates, chủ yếu dành cho kinh doanh bán lẻ, văn phòng, đặc biệt là một khách sạn sang trọng 7 sao. Officetels, phổ biến trong bất động sản Hàn Quốc, cung cấp phòng ở kiểu căn hộ cho những người làm việc trong tòa nhà và thường có một số dịch vụ trong khách sạn. 10 tầng trên cùng của tòa nhà được dành riêng cho sử dụng công cộng, có tầng quan sát và quán cà phê. Ảnh: KPF.
Ở độ cao 530 m, Trung tâm Tài chính CTF Quảng Châu là tòa nhà cao nhất thành phố và cao thứ 3 ở Trung Quốc. Hoàn thành vào năm 2016 và được thiết kế bởi Kohn Pedersen Fox Associates, tòa nhà này có 111 tầng nổi và 5 tầng hầm. Theo Trung tâm Cao ốc, tòa nhà này sử dụng một số công cụ tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài các kết nối đa cấp mạnh mẽ với giao thông công cộng, việc sử dụng thiết bị làm lạnh hiệu quả cao và thu hồi nhiệt từ thiết bị ngưng tụ làm mát bằng nước đều góp phần vào sự bền vững của tòa nhà này. Ảnh: Elevator Today.
Hoàn thành vào tháng 8 năm 2018, Tháp CITIC, còn được gọi là "Zun" với hình dáng giống chiếc bình nghi lễ truyền thống cùng tên của Trung Quốc cũng góp mặt trong danh sách này với độ cao 527,61 m. Được thiết kế bởi Viện thiết kế kiến trúc Bắc Kinh kết hợp với Kohn Pedersen Fox Associates, tòa tháp CITIC là tòa nhà cao nhất Bắc Kinh và là trung tâm của khu kinh doanh mới nổi của thành phố. Ảnh: Arch Daily.
Được thiết kế bởi CY Lee & Partners, TAIPEI 101 nằm ở trung tâm thủ đô của Đài Loan và được hoàn thành vào năm 2004. Tòa tháp này cao 508,1 m với hình dạng như một ngôi chùa cổ. Theo Trung tâm Cao ốc, mặt tiền của tòa tháp có các tấm kính màu xanh lá cây hai mặt có độ phản chiếu cao và ngăn chặn mức tăng nhiệt mặt trời lên tới 50%. Ngoài ra, tòa nhà này còn có các tính năng hiện đại khác bao gồm đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, điều khiển ánh sáng tùy chỉnh và hệ thống điều khiển và quản lý năng lượng thông minh. Ảnh: Lonely Planet.
Cao 506,6 m, Trung tâm tài chính thế giới Thượng Hải được tạo thành từ 101 tầng nổi cùng 3 tầng hầm. Được xây dựng với chi phí 1,2 tỷ USD, công trình cao ốc này mất 11 năm để hoàn thành. Dự án đã bị đình chỉ vào năm 1995 sau khi hoàn thành nền móng. Khi được tái xây dựng vào năm 1999, cả chiều cao và kích thước cơ sở đều tăng so với kế hoạch ban đầu. Hiện đây là tòa nhà cao thứ 2 ở Hong Kong. Ảnh: Shutterstock.
Một gương mặt mới trong danh sách này là tòa nhà Exchange 106 ở thủ đô Kuala Lumpur. Tòa nhà này vừa được cấp giấy chứng nhận hoàn thành có chiều cao 492 m, vượt Landmark 81 của Việt Nam và trở thành tòa nhà cao nhất Đông Nam Á. Tòa nhà Exchange 106 nằm trong khu phức hợp Tun Razak Exchange (TRX), thuộc quyền sở hữu của Bộ Tài chính Malaysia và Tập đoàn bất động sản Mulia của Indonesia. Bên cạnh đó, một tòa tháp cao 500 m Merdeka PNB 118 cũng đang được xây dựng ở thủ đô Kuala Lumpur hứa hẹn sẽ góp mặt trong danh sách này. Ảnh: The Star.
Hoàn thành vào năm 2010, Trung tâm thương mại quốc tế tại Hong Kong là tòa nhà lâu đời thứ 3 trong top 10 này. Cao 484 m, đây là tòa nhà cao nhất ở Hong Kong và là tòa nhà cao thứ 6 tại Trung Quốc. Tòa nhà được tạo thành từ 108 tầng trên nổi và 4 tầng hầm. Trung tâm thương mại này bao gồm chuỗi tích hợp không gian văn phòng thương mại và phát triển khách sạn, nổi bật là khách sạn Ritz-Carlton tại Hong Kong. Ảnh: Flickr.
Cuối cùng là một đại diện đến từ Việt Nam. Tọa lạc tại thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố miền Nam Việt Nam, Vincom Landmark 81 cao 461 m với 81 tầng nổi và 4 tầng hầm. Được thiết kế bởi công ty kiến trúc Atkins, tòa nhà này được hoàn thành vào năm 2018. Thiết kế của công trình này được lấy cảm hứng từ hình ảnh cây tre - một loại cây truyền thống tượng trưng cho sức mạnh và tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam. Ảnh: I Tour Vietnam.
Landmark 81 cũng là một công trình hỗn hợp, bao gồm 450 phòng khách sạn, căn hộ cho thuê và chuỗi cửa hàng bán lẻ. Công trình kiến trúc này được xem là niềm tự hào lớn của người dân Việt Nam. Trước khi tòa nhà Exchange 106 hoàn thành, Landmark 81 là tòa nhà cao nhất Đông Nam Á. Ảnh: Lê Duy Thanh.