Bí mật bóng đá Qatar và sự phục sinh đáng kinh ngạc sau thảm họa World Cup
Hơn một năm trước, Qatar bị cho là đã thất bại trong giấc mơ bóng đá. Thế nhưng bằng việc vào đến chung kết Asian Cup một lần nữa, họ đã chứng minh sức sống mãnh liệt của bóng đá cũng như giấc mơ vươn lên của quốc gia nằm bên vịnh Ba Tư.
5 tuần trước khi Asian Cup 2023 khởi tranh, tại Liên hoan phim thể thao Paladino d'Oro lần thứ 43 tổ chức ở Italia, phim “Câu chuyện bóng đá ở Qatar” được vinh danh là Phim ngắn hay nhất. Đứng trên sân khấu, đạo diễn Justin Kramer chia sẻ, “bộ phim được tạo ra để thay đổi quan niệm sai lầm, rằng Qatar không có văn hóa bóng đá”. Trên thực tế, bóng đá có sức sống mãnh liệt ở quốc gia nằm bên vịnh Ba Tư.
Đúng là bóng đá (tiếng Ả Rập là kora) du nhập vào Qatar hơi muộn, nhưng ngay khi biết tới nó, người dân vốn chỉ quen với công việc nuôi lạc đà và mò ngọc trai, lập tức thích thú. Vào những năm 1940, bóng đá được chơi trên cát với những đường kẻ được vẽ bằng dầu.
Năm 1950, CLB bóng đá đầu tiên của Qatar, Al Ahli, được thành lập và năm 1960, Hiệp hội bóng đá Qatar ra đời. Thêm 2 năm nữa, sân vận động Doha được khai trương, trở thành sân vận động dùng cỏ thật đầu tiên trong khu vực, sau đó đón những ngôi sao hàng đầu thế giới tới thi đấu, chẳng hạn như Pele.
Tất nhiên, để tạo nên một đội tuyển mạnh mẽ từ 2 triệu dân, trong đó chưa đầy 300.000 dân bản địa, là điều rất khó. Vậy nên điều đầu tiên Qatar làm là mở rộng lựa chọn, bằng cách lập ra Học viện Aspire vào năm 2005, đồng thời kích hoạt chương trình “Giấc mơ bóng đá”.
Đội ngũ tuyển trạch viên của Qatar, đứng đầu là Josep Colomer, người từng phát hiện ra Lionel Messi, len lỏi tới từng ngõ ngách, kể cả những vùng hẻo lánh nhất ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ để tìm kiếm các tài năng sáng giá. Sau nhiều giai đoạn sàng lọc, số ít những đứa trẻ sẽ được đưa đến Học viện Aspire. Tại đó chúng được huấn luyện bởi những HLV giỏi nhất thế giới, sau đó nếu đủ tốt, khi trưởng thành sẽ tiến hành thủ tục nhập quốc tịch Qatar.
Từ vị trí thứ 113 trên BXH FIFA vào năm 2010, Qatar nhảy vọt lên vị trí thứ 50 khi World Cup được tổ chức trên đất nước họ vào năm 2023. Sự thăng tiến này một phần nhờ vào chức vô địch Asian Cup 2019, khi “Al Annabi” đánh bại cường quốc bóng đá Nhật Bản 3-1 trong trận chung kết.
17/23 cầu thủ tham dự giải đấu đó được đào tạo bởi Aspire và thuộc diện nhập tịch. Almoez Ali, Vua phá lưới Asian Cup 2019 với 9 bàn thắng, là người Sudan. Akram Afif, vua kiến tạo với 10 đường chuyền thành bàn, mang hai dòng máu Somalia và Yemen. Cả hai đều kinh qua Aspire, được gửi tới thi đấu ở châu Âu để tích lũy kinh nghiệm rồi trở về cống hiến ở giải trong nước.
Tại Asian Cup 2023, bộ đôi này vẫn là trụ cột của Qatar. Afif có 5 bàn và 3 kiến tạo, trong khi thống kê tương tự của Ali là 2 và 2. Họ được kỳ vọng sẽ tỏa sáng trong trận chung kết tại Lusail, đưa “Al Annabi” đăng quang một lần nữa, và trước sự chứng kiến của khán giả nhà.
Đúng là Qatar đã mang lại nỗi thất vọng ghê gớm cho người hâm mộ nước nhà tại World Cup 2022. Tuy nhiên có thể hiểu rằng khi ấy họ có quá ít kinh nghiệm, đồng thời không thể đối phó với áp lực khi lần đầu bước ra sân khấu lớn. Bây giờ thì khác.
Chia tay HLV Felix Sanchez sau World Cup 2022, Qatar cũng có một quyết định táo bạo khi tiếp tục sa thải Carlos Queiroz chỉ sau 10 tháng. Thay vì tìm kiếm một HLV danh tiếng, họ bổ nhiệm “Tintin” Marquez Lopez.
Vị chiến lược gia người Tây Ban Nha có cả thập kỷ gắn bó với bóng đá Qatar và từng làm việc ở Học viện Aspire, vì vậy có sẵn mối quan hệ thân thiết với các cầu thủ, dễ dàng triển khai triết lý ông mong muốn và cũng biết điều gì phù hợp với ĐT Qatar.
Đội quân của HLV Marquez Lopez đã bắt đầu Asian cup 2023 trong sự hoài nghi, nhưng liên tục gây kinh ngạc bằng các màn trình diễn phi thường. Họ là đội duy nhất toàn thắng và đồng thời giữ sạch lưới ở vòng bảng, vượt qua Uzbekistan ở tứ kết sau màn luân lưu nghẹt thở, sau đó giành chiến thắng ngoạn mục 3-2 ở trận bán kết trước một Iran đầy khí thế tại Al Thumama.
Hơn một năm trước, nơi đây đã chôn vùi giấc mộng Qatar, khi “Al Annabi” nhận thất bại 1-3 trước Senegal để rồi đi vào lịch sử với tư cách chủ nhà World Cup đầu tiên bị loại chỉ sau 2 trận vòng bảng. Bây giờ đó lại là nơi Qatar tắm mình trong vinh quang, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ.
Vươn lên từ vực sâu, Qatar đang đứng trước cơ hội ghi tên mình vào lịch sử với tư cách đội đầu tiên sau hai thập kỷ vô địch châu Á liên tiếp. Nếu lên ngôi tại Lusail, không nghi ngờ gì, “Al Annabi” chính thức bước vào hàng ngũ các đại gia châu Á, trở thành một thế lực mới bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Iran.
Ở một quốc gia thực sự tồn tại cái gọi là “văn hóa bóng đá”, họ đã cho thấy sự kiên định trong quyết tâm vươn lên và xua tan những nghi ngờ. Phần còn lại của châu Á, và trước mắt là Jordan trong trận chung kết, có lý do để lo lắng. Như ngôi sao Afif tuyên bố, “tất cả mới chỉ là sự khởi đầu, và điều tuyệt vời nhất vẫn chưa đến”.