Bị mất chỗ đứng ở châu Phi, Pháp điều Quân đoàn Lê dương về Đông Âu?
AsiaTimes tuyên bố, Pháp đang gửi lực lượng Quân đoàn Lê Dương từ châu Phi sang hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga ở mặt trận Slavyansk-Donetsk.
Theo Asia Times, Pháp đã chính thức gửi đội quân đầu tiên gồm hàng trăm người tới Ukraine. Đội hình đầu tiên đã được triển khai để hỗ trợ Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 54 của Ukraine ở Slavyansk (một phần của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng đã sáp nhập vào Nga), mà hiện nay Kiev vẫn còn đang kiểm soát.
Asia Times dẫn nguồn tin riêng cho biết, binh sĩ Pháp tới Ukraine được tuyển mộ từ Trung đoàn Bộ binh Số 3 của Pháp, một trong những đơn vị chủ lực của Quân đoàn nước ngoài (còn được gọi là Quân đoàn Lê dương, Légion étrangère) của Pháp, từng được triển khai ở châu Phi.
Vào năm 2022, trong Quân đoàn Lê dương của Pháp có một số binh sĩ người Ukraine và người Nga. Sau khi lực lượng Pháp bị trục xuất khỏi hầu hết các nước châu Phi, họ được phép rời khỏi Quân đoàn và những người Ukraine sẽ trở về nước để gia nhập lực lượng Ukraine, còn những người Nga thì không rõ.
Theo công bố, nhóm quân Pháp đầu tiên tới Ukraine có số lượng khoảng 100 người và là đợt đầu tiên trong số khoảng 1.500 binh sĩ Quân đoàn nước ngoài của Pháp sẽ đến đất nước này. Họ là những chuyên gia pháo binh và trinh sát, sang Ukraine cùng với các hệ thống pháo tự hành Caesar.
Theo Asia Times, không giới hạn nhiệm vụ ở tuyến sau, những đội quân này được triển khai trực tiếp trong khu vực Nga đang tiến hành Chiến dịch Quân sự Đặc biệt, gần như ở ngay tuyến đầu chiến sự nóng bỏng, với trọng trách giúp người Ukraine chống lại cuộc tấn công của Nga ở tỉnh Donetsk, vùng Donbass.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đe dọa gửi quân đội Pháp tới Ukraine trong nhiều tháng.
Ông nhận được rất ít hoặc không nhận được sự hỗ trợ nào từ các nước NATO, ngoại trừ Ba Lan và các nước vùng Baltic. Mỹ cũng phản đối việc gửi binh sĩ NATO tới Ukraine (trừ cố vấn quân sự).
Một trong những câu hỏi ngay lập tức được đặt ra từ quyết định của Pháp gửi binh lính từ Trung đoàn bộ binh số 3 trực tiếp ra mặt trận là liệu điều này có vượt qua ranh giới đỏ của Nga liên quan đến sự can dự của NATO vào cuộc xung đột ở Ukraine hay không? Người Nga có coi đây là sự khởi đầu của một cuộc chiến rộng lớn hơn bên ngoài Ukraine?
Bản thân nước Pháp không có nhiều quân có thể đưa ra tiền tuyến nếu chính quyền Paris muốn làm như vậy. Trong thời điểm hiện nay, Pháp được cho là không thể đơn độc thực hiện việc triển khai toàn bộ một sư đoàn ở nước ngoài và sẽ không thể làm như vậy cho đến năm 2027.
Asia Times cho rằng, bản thân quyết định cử lính lê dương nước ngoài sang giúp đỡ chính quyền Kiev đã là một dạng thỏa hiệp của Paris. Ông Macron không có ý định triển khai quân đội chính quy của mình ở Ukraine để đối đầu quân sự trực tiếp với Nga và ngoài một số ít sĩ quan cố vấn, chuyên gia kỹ thuật và huấn luyện viên, những người được cử đến không phải là công dân Pháp.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, bất kể là trong tình huống nào, quyết định đóng quân của các chiến binh Legion (Lê dương) ở Slavyansk là hành động “cực kỳ khiêu khích” đối với Nga.
Asia Times tin rằng, vì Slavyansk là thành phố tiền tuyến ở Donetsk nên việc “triển khai nhẹ nhàng” này của Paris vẫn sẽ bị Moscow coi là “một hành động đối đầu trực tiếp” với Nga và chắc chắn là Moscow sẽ dành tặng những chiến binh Pháp những cuộc tấn công phủ đầu khốc liệt nhất, giống như cuộc tấn công vào Slavyansk rạng sáng ngày 15/4 vừa qua.