Từ đầu năm 1945, Đức quốc xã liên tiếp thất bại đau đớn trước lực lượng đồng minh. Nhận thấy ngày tàn của mình đã đến, vào ngày 28/4/1945, trùm phát xít Hitler đọc bản di chúc trong hầm ngầm ở Berlin.
Thư ký riêng của Hitler là Traudl Junge chép lại nội dung di chúc. Trong chúc thư, nhà độc tài Đức quốc xã vẫn không từ bỏ sự căm thù người Do Thái và muốn tận diệt họ.
Hitler chỉ định người kế nhiệm mình sau khi chết là Đô đốc Karl Dönitz. Trùm phát xít hy vọng Đức quốc xã tiếp tục chiến đấu bằng mọi cách để tiếp tục tồn tại. Ngoài ra, Hitler còn viết trong di chúc về việc chọn cách tự sát cùng vợ không bị quân Đồng minh bắt giữ và phán xét tội trạng.
Tới ngày 30/4/1945, Hitler dùng súng tự sát và người vợ Eva Braun uống axit clohydric để kết liễu tính mạng. Trong di chúc, nhà độc tài Đức quốc xã cũng yêu cầu cấp dưới hỏa thiêu thi thể của hai vợ chồng bằng xăng trong khu vườn ở phủ Thủ tướng.
Cấp dưới thực hiện lời theo di chúc của Hitler. Tuy nhiên, do lượng xăng không đủ nên một phần thi thể của vợ chồng Hitler vẫn còn sót lại. Quân đội Liên Xô phát hiện chúng vài ngày sau khi trùm phát xít tự sát.
Vào ngày 1/5, Đô đốc Karl Dönitz - người kế nhiệm Hitler có bài phát biểu trên đài phát thanh và tuyên bố bản thân là người đứng đầu nước Đức.
Dönitz thành lập nội các mới và bắt đầu thực hiện liên lạc với phe Đồng minh để bàn bạc về việc đầu hàng.
Ngày 7/5, chính quyền Đô đốc Karl Dönitz ký hiệp định đầu hàng Mỹ. Ngày hôm sau, Thống chế Wilhelm Keitel của Đức ký hiệp định đầu hàng Liên Xô trong một cuộc họp ở Karlshot, ngoại ô thủ đô Berlin.
Việc Đức đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện do Đô đốc Karl Dönitz thực hiện đi ngược lại với mong muốn của Hitler trước lúc chết.
Thế nhưng, các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng khi ấy, quân đội Đức quốc xã không thể tiếp tục chiến đấu vì không còn sức chống trả các cuộc tấn công của quân Đồng minh. Đầu hàng là sự lựa chọn đúng đắn để Đức giảm bớt thương vong và chấm dứt cuộc chiến đẫm máu.
Mời độc giả xem video: Tiếp tục truy tìm tội phạm chiến tranh thời phát xít Đức. Nguồn: VTC14.
Tâm Anh (theo History)