Bí mật của những thương hiệu lan đột biến tiền tỷ
Mắt nai, Gái nhảy, Bạch tuyết, Bướm đại ngàn… là những tên gọi gán cho lan đột biến. Mỗi giò lan này có giá giao dịch hàng tỷ đồng. Vì sao chúng có giá cao như vậy?
Hàng loạt giao dịch lan đột biến (còn gọi là lan var) trong thời gian qua đã làm rúng động xã hội.
Những giao dịch được quay video hoặc phát trực tiếp lên mạng với những cọc tiền được xếp thành chồng cao đổi lấy giò lan mới chỉ nhú vài cm.
Vài ba năm trước, những cái tên như: 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Di Linh, Mắt nai, Gái nhảy, Hiển Oanh (H.O)… từng "làm mưa làm gió” thị trường lan var.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, cơn sốt các loại này bị hạ nhiệt, dần được thay thế bởi những cái tên mới. Từ giá trị tiền trăm triệu hay vài chục triệu một kie, giá bán hiện tại của những loại này đang ở mức trên dưới 1 triệu đồng/kie.
Thời điểm hiện tại, các thương hiệu đang lên ngôi gồm Ngọc sơn cước, Bảo Duy, Bạch tuyết, Bướm đại ngàn, Hồng Yên thủy… Giá trị giao dịch lên tới hàng tỷ đồng một giò lan.
Thương vụ giao dịch 250 tỷ diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua tại Quảng Ninh liên quan tới giao dịch mua bán giống lan Ngọc Sơn cước.
Vì sao giá trị của lan var được đẩy “lên trời”, dù nó không có thước đo, không có chuẩn mực để so sánh? Nhiều bi kịch đã xảy ra khi người muốn làm giàu cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng để lấy tiền đầu tư vào lan.
Ông Chử Văn Cao (huyện Văn Giang, Hưng Yên) một người có thâm niên chơi lan hơn 20 năm lý giải tất cả những loại lan đột biến nói trên đều là lan rừng.
Ông Cao cho biết năm 2016, ông mua 30 kg lan rừng (mua theo cân) với giá vài trăm nghìn đồng/kg về chia thành các giò lan để chăm sóc.
Những giống lan phổ biến, nhiều người chơi có giá vài trăm nghìn hoặc lên tới tiền triệu (tùy thuộc vào độ to, nhỏ của giò lan) có tên phi điệp, đai trâu, lan trầm, hoàng phi hạc, lan giả hạc, long tu… Số lượng lên tới hàng trăm loại.
Đây là những loại cây sống tầm gửi, phổ biến ở vùng rừng nhiệt đới. Tùy theo khí hậu, thổ nhưỡng của các vùng, chúng biến đổi màu sắc hoặc có hình thái khác nhau.
Sau một thời gian, các giò lan ra hoa. Trong số đó, nếu may mắn có một loại lan có mặt hoa khác biệt so với những loài phổ biến, chủ vườn sẽ chọn riêng ra, cho chế độ chăm sóc đặc biệt và nhân giống.
“Trong số 30 kg lan rừng tôi mua về, có một khóm lan ra hoa màu trắng rất đẹp, mặt hoa khác biệt hẳn những loại lan thông thường. Tôi đưa riêng ra và đặt tên là lan Văn Cao - lấy tên của chính mình đặt cho nó. Nó cũng là lan đột biến như các loại lan có tên Hiển Oanh, Bảo Duy, Năm cánh trắng, Mắt nai, Gái nhảy…
Đến thời điểm hiện tại, ông Cao đã bán được khoảng chục giò lan mang tên mình. Giò có giá trị cao nhất là hơn 400 triệu đồng. Các giò còn lại từ vài chục đến vài trăm triệu.
“Giá cả do mình tự đặt ra, theo cảm hứng, theo sự thỏa thuận của bên mua, bên bán, không có ai định giá cả. Những người cùng đam mê, yêu cái đẹp, mình cao hứng thì có thể tặng cho nhau”, ông Cao nói.
Giải thích về những cái tên lan đột biến đang là “hàng hot” trong giới chơi lan, ông Cao nói các loại lan khác được đặt tên theo đặc điểm, sắc thái hoa. Người ta thích đặt tên nào thì đặt, như Hiển Oanh (H.O), Bảo Duy là tên của chủ vườn lan phát hiện ra mặt hoa đẹp này.
Gái nhảy là loại lan biến đổi màu sắc, đặt ở góc này thì thấy hoa màu này, đặt ở chỗ khác lại nhìn ra màu khác, người phát hiện ra đặt cho nó tên như vậy, ý là lẳng lơ. Mắt nai là loại lan ra hoa cánh trắng muốt, trong số đó có 2 cánh điểm màu khác, chấm tròn xếch như mắt nai, còn Bướm đại ngàn có mặt hoa to như cánh bướm.
Những loại lan đột biến khác như 5 cánh trắng Phú Thọ, Hồng Yên Thủy, 6 mắt Thái Bình được người trồng lấy tên địa danh để đặt cho cây.
“Mẫu số chung của những loại lan này là nó khác biệt so với thông thường, rất đẹp và hiếm. Vì đẹp, hiếm, nhiều người thích sưu tầm nên nó được săn đón, nhiều người mê. Giá trị của nó do chủ nhà vườn đưa ra, sau đó, giới thương mại tiếp tục đẩy lên là câu chuyện về sau, nhà vườn chân chính không kiểm soát được”, ông Cao lý giải.
Ông Cao cho biết lan Đại tướng xuất phát từ nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một người tặng Đại tướng một giò lan, sau đó giò lan đó ra mặt hoa rất đẹp. Người ta xin một nhánh về nhân giống và đặt tên hoa là “5 cánh trắng Đại tướng” để làm ký hiệu riêng.
Tương tự, lan Đa Hòa là giò lan lấy giống từ giò lan trong đình làng Đa Hòa, hay 6 mắt Thái Bình là loại lan lấy từ tỉnh Thái Bình để nhân giống.
“Có rất nhiều loại, nhiều tên khác nhau, tên gọi là do nhà vườn, người trồng đặt theo đặc điểm nhận dạng hoặc theo cách ký hiệu của họ (với mục đích để phân biệt, dễ nhớ) chứ không có giống loài nào đột biến và có tên khoa học cả.
100% các loại lan trên đều là lan rừng, nó đột biến là do tự nhiên, do thay đổi khí hậu, thổ nhưỡng mà ra mặt hoa đẹp. Nếu như có sự can thiệp của khoa học, của con người như cấy mô… thì đó không thể gọi là đột biến”, ông Chử Văn Cao giải thích.
Theo Thái Bình/Vietnamnet
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-mat-cua-nhung-thuong-hieu-lan-dot-bien-tien-ty-post1208699.html