Bí mật đằng sau quyết định cắt giảm dầu của Ả Rập Xê-út

Theo một số nguồn tin của OPEC+ nói với Reuters, Ả Rập Xê-út không hề tiết lộ kế hoạch mạnh tay cắt giảm sản lượng dầu của mình trong cuộc họp cuối tuần của OPEC+ tại Vienna. Nhiều quốc gia thành viên chỉ biết về quyết định trên tại cuộc họp báo gần nhất.

Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út

Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út

Ả Rập Xê-út là quốc gia khai thác dầu mỏ hàng đầu của OPEC và là thành viên linh hoạt nhất trong việc tăng hoặc giảm sản lượng, mang lại cho vương quốc này ảnh hưởng vô song đối với thị trường dầu mỏ, dù rằng tác động mà họ tạo ra được lên giá dầu kể từ lúc công bố kế hoạch này cho đến nay là rất khiêm tốn.

Trước đây, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út, đã tạo ra sự bất ngờ để gây ảnh hưởng lên thị trường dầu mỏ. Giá dầu chịu rất nhiều áp lực, vì nếu thị trường lo sợ rằng nền kinh tế toàn cầu trở nên suy yếu, nhu cầu tiêu thụ dầu cũng bị ảnh hưởng.

Vài ngày trước khi OPEC+ tổ chức cuộc họp, Hoàng tử Abdulaziz cho biết ông sẽ gây thêm tổn thất cho đối tượng bán khống - những người đặt cược rằng giá dầu sẽ giảm, và kêu gọi họ dè chừng. Ông đã tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng sau cuộc họp, gọi đó là “kẹo mút của Ả Rập Xê Út” (Saudi lollipop).

Theo 4 nguồn tin của OPEC+, họ chỉ nghe thông tin chi tiết về quyết định cắt giảm của Ả Rập Xê-út tại buổi họp báo vào tối 4/6. Họ cho biết, ý tưởng cắt giảm đã không xuất hiện trong những cuộc thảo luận cuối tuần về một thỏa thuận rộng lớn hơn để hạn chế nguồn cung vào năm 2024.

Người tiết lộ tin là thành viên của phái đoàn đại diện của nhiều quốc gia, được chọn để tham dự trao đổi về chính sách của OPEC.

Ả Rập Xê-út cho biết, trong tháng 7/2023, họ sẽ cắt giảm 10% hạn ngạch sản lượng, tức 1 triệu thùng/ngày. Như vậy, hạn ngạch giảm xuống còn 9 triệu thùng/ngày và thời hạn có thể kéo dài thêm nếu cần. Trong khi đó, OPEC+ đã đồng ý gia hạn cắt giảm đến năm 2024 nhưng không cam kết thực hiện bất kỳ đợt cắt giảm mới nào cho năm 2023.

OPEC+, hay còn gọi là Tổ chức Những Nước xuất khẩu Dầu mỏ và Đồng minh, do Nga dẫn đầu, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu dầu thô của thế giới.

Bên cạnh quyết định cắt giảm của Ả Rập Xê-út, OPEC+ còn hạ mục tiêu khai thác chung cho năm 2024 và 9 quốc gia thành viên đã gia hạn hiệu lực cắt giảm tự nguyện cho đến cuối năm 2024.

Hạn ngạch của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã được nâng cao hơn – điều mà họ đã tìm kiếm từ lâu. Tuy nhiên, đây lại trở thành một vấn đề gây căng thẳng giữa OPEC+ và Abu Dhabi. Hiện UAE đang tiến hành nâng công suất khai thác.

Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út và trụ sở chính của OPEC tại Vienna đã không trả lời các yêu cầu bình luận.

“Không thể thúc ép người khác”

Trước cuộc họp ngày 4/6, hai nguồn tin khác của OPEC+ cho biết, nhiều thành viên đã có ý tưởng cắt giảm nhiều hơn, dù vậy, ý tưởng này không được đưa vào thảo luận tại Vienna.

Vài nguồn tin khác của OPEC+ cho biết, Riyadh đã nhận ra sự khó khăn trong việc đảm bảo rằng những nước khác như UAE và Nga sẽ cắt giảm. Theo nhiều nguồn cho biết trước cuộc họp, những nước trên đã miễn cưỡng thúc đẩy cắt giảm thêm.

Một nguồn tin cho biết: “Ả Rập Xê-út đã nhận thức được rằng họ không thể thúc ép những nước khác vào thời điểm này. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hài lòng với hạn ngạch mới và đó là một sự giải thoát lớn cho người Ả Rập Xê-út".

Tuy nhiên, Ả Rập Xê-út đã thuyết phục được những thành viên khác của OPEC+ hạ mục tiêu khai thác cho năm 2024. Lý do là vì mức khai thác của họ không đạt yêu cầu, do thiếu đầu tư vào năng lực. Hai nước tiêu biểu nhất của trường hợp này là Nigeria và Angola.

Sau cuộc họp, Hoàng tử Abdulaziz nói với đài truyền hình Al Arabiya rằng nhóm đã mệt mỏi với việc đưa ra hạn ngạch cho những quốc gia không có khả năng đáp ứng, và rằng Nga cần minh bạch về sản lượng và mức xuất khẩu của họ.

Những nguồn tin của OPEC+ cho biết, mục tiêu mới cho Angola và Nigeria vẫn cao hơn mức thực tế mà những quốc gia này có thể khai thác. Điều này có nghĩa là họ không phải thực hiện cắt giảm thực sự.

Nga - quốc gia có năng lực xuất khẩu mạnh mẽ bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng tránh phải cắt giảm thêm.

Không rõ liệu Ả Rập Xê-út có gợi ý nào về khả năng tự nguyện cắt giảm với cánh quan chức ở Nga hay những quốc gia khai thác ở châu Phi hay không, để từ đó thuyết phục những nước này đồng ý lập một thỏa thuận rộng hơn.

Dù thế nào đi nữa, tất cả thành viên của OPEC sẽ hưởng lợi nếu họ có thể giữ sản lượng như cũ hoặc bơm nhiều hơn một chút, nhất là trong trường hợp quyết định của Riyadh làm tăng giá.

Một nguồn tin của OPEC+ cho biết, quyết định cắt giảm sản lượng của Ả Rập Xê-út cũng có thể mang lại cho vương quốc này nhiều đòn bẩy hơn trong những tháng tới, giúp họ gây áp lực đến những quốc gia không cắt giảm hạn ngạch sản lượng nhưng vẫn hưởng lợi từ những nước thực hiện chính sách đó.

Một nguồn tin khác của OPEC+ cho biết: “Để tránh hành vi ăn chực nằm chờ, Ả Rập Xê-út có thể đe dọa đưa 1 triệu thùng/ngày trở lại thị trường trong vòng 30 ngày, làm giá dầu giảm”. Ông không nêu tên những quốc gia nào có nguy cơ bị đe dọa.

Cho đến nay, giá dầu đã tăng nhẹ như theo ý định của Riyadh. Dầu thô Brent được giao dịch ở mức cao hơn 77 USD/thùng vào 8/6 và đóng cửa ở mức 76 USD/thùng.

Ông Stephen Brennock - Nhà phân tích của công ty năng lượng PVM, cho biết: “Quyết định cắt giảm của Ả Rập Xê-út chỉ đứng thứ hai sau những lo ngại về tình trạng của nền kinh tế toàn cầu.” Ông nói thêm, quyết định này có thể làm gia tăng thâm hụt nguồn cung trong tháng 7.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bi-mat-dang-sau-quyet-dinh-cat-giam-dau-cua-a-rap-xe-ut-687053.html