Bí mật 'động trời': Mãi đến thời hiện đại, con người mới biết thế nào là màu xanh lam
Hay nói cách khác, định nghĩa 'màu xanh lam' chưa hề xuất hiện trong lịch sử loài người cho đến tận thời kỳ thế giới cận đại và hiện đại.
Tầm nhìn của con người kì diệu đến mức không thể tin được - hầu hết chúng ta đều có khả năng nhìn thấy khoảng 1 triệu màu. Đến nay khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân vì sao tất cả con người đều nhận thức về màu theo cùng một cách. Nhưng có bằng chứng cho thấy rằng: vào thời cổ xưa, nhân loại không thể nhìn thấy được màu xanh lam (blue).
Vào năm 2015, nhà nghiên cứu Kevin Loria đã đã viết trên tờ Business Insider rằng: mãi đến cuối những năm 1800, màu xanh lam mới thật sự “xuất hiện” trong thế giới của con người. Học giả William Gladstone - người sau này trở thành Thủ tướng của Anh -cũng nhận thấy rằng: trong tác phẩm Odyssey nổi tiếng của mình, Homer miêu tả đại dương có màu "rượu vang tối" và các sắc thái kỳ lạ khác, nhưng ông chưa bao giờ sử dụng từ “màu xanh lam”.
Vài năm sau, Lazarus Geiger - một nhà ngữ văn học (người chuyên nghiên cứu ngôn ngữ và từ ngữ) đã quyết định tìm hiểu sâu hơn về nghiên cứu này. Ông phân tích văn bản tiếng Iceland, Hindu, Trung Quốc, Ả Rập và Hê-bơ-rơ cổ xưa để xem họ có sử dụng màu sắc trong cuộc sống của họ hay không. Và ông thấy không có ngôn ngữ nào đề cập đến màu xanh lam.
Đọc đến đây có lẽ bạn sẽ thấy kì quặc, nhưng điều này thật ra cũng dễ hiểu thôi, bởi vì ngoài bầu trời ra thì không có nhiều thứ có màu xanh rực rỡ. Trên thực tế, xã hội đầu tiên có từ ngữ chỉ màu xanh là Ai Cập -đây là nền văn hóa duy nhất có thể sản xuất thuốc nhuộm xanh. Từ đó, dường như nhận thức về màu sắc được lan truyền khắp thế giới hiện đại. Nhưng việc không có từ ngữ biểu thị màu xanh, có đồng nghĩa với việc tổ tiên của chúng ta không thể nhìn thấy nó?
Người ta đã tiến hành nhiều nghiên cứu để cố gắng lý giải điều này, và một trong những báo cáo thuyết phục nhất được thực hiện bởi Jules Davidoff -nhà tâm lý học ở Trường Đại học Goldsmiths tại London. Nghiên cứu này đã được xuất bản vào năm 2006.Davidoff và nhóm của ông đã làm việc với bộ lạc Himba ở Namibia. Trong ngôn ngữ của họ, không có từ chỉ màu xanh lam và không có sự khác biệt thực sự giữa màu xanh lá và màu xanh lam.
Để kiểm tra xem những người ở đây có thật sự không thể nhìn thấy màu xanh lam hay không, Davidoff đã cho các thành viên của bộ lạc xem một vòng tròn được tạo thành bởi 11 hình vuông màu xanh lá và 1 hình vuông màu xanh lam. Như hình ở bên dưới, quá dễ dàng cho chúng ta để nhận ra hình vuông màu xanh lam.
Nhưng bộ lạc Himba lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra ô vuông có màu sắc khác so với những ô vuông còn lại. Họ đoán một cách ngẫu nhiên và đoán sai rất nhiều lần, cũng như mất nhiều thời gian trước khi có được câu trả lời đúng.
Nhưng có một điều thú vị là người Himba lại có nhiều từ để chỉ màu xanh lá hơn chúng ta. Vì vậy, Davidoff đã tiến hành đảo ngược thí nghiệm. Ông cho những người nói tiếng Anh xem một vòng tròn có 11 ô vuông có cùng một sắc thái màu xanh lá và một ô vuông có sắc thái xanh khác với những ô còn lại.
Như bạn thấy bên trên, rất khó để phân biệt được hình vuông nào có màu sắc khác. Trên thực tế, hầu như những người tham gia thí nghiệm đều không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt nào. Nhưng trái lại, người trong bộ lạc Himba lại có thể chỉ ra hình vuông “lạc loài” đó ngay lập tức (hình dưới).
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi các nhà khoa học ở MIT năm 2007 cho thấy những người Nga bản xứ không có từ nào để chỉ màu xanh lam, nhưng lại có từ để biểu thị màu xanh nhạt (goluboy) và màu xanh đậm (siniy). Họ có thể phân biệt giữa sắc thái xanh sáng và tối nhanh hơn so với những người nói tiếng Anh.
Tất cả những nghiên cứu trên cho thấy rằng trước khi có từ chỉ màu xanh lam, dường như tổ tiên của chúng ta không thực sự nhìn thấy được nó. Hay chính xác hơn, họ có thể nhìn thấy nó như chúng ta nhìn thấy bây giờ nhưng không nhận ra được sự khác biệt.