Bí mật hãi hùng về 'luật phòng giam' sau cái chết của can phạm
Chỉ vì can phạm mới nhập phòng vụng về trong sinh hoạt mà Hoài đã trực tiếp cũng như ra lệnh cho những đối tượng khác trong buồng tạm giam đánh đập đến tử vong.
“Luật đại bàng” trong phòng giam
Ngày 22/8, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với nhóm “đại bàng” đánh chết bạn tù tại trại tạm giam huyện Bình Chánh, TP.HCM. Bị cáo Lại Văn Hoài (SN 1983, quê tỉnh Vĩnh Long) cùng 10 đồng phạm khác bị truy tố về tội giết người.
Hồ sơ vụ án cho thấy, Trần Văn Tú (SN 1982, quê tỉnh Long An) bị bắt giam về hành vi Trộm cắp tài sản và tạm giam tại phòng giam A4, nhà tạm giam công an huyện Bình Chánh, TP.HCM. Phòng giam đã có 16 người bị tạm giam và Lại Văn Hoài được phong làm trưởng phòng do sự uy tín cũng như bản tính ‘anh chị’ nhất buồng.
Trong mỗi buồng giam đều có những quy tắc riêng của những can phạm. Họ có thể chia thành nhiều nhóm có thế lực, vai trò cao thấp khác nhau. Ở phòng giam A4 này được chia thành ba mâm, trong đó mâm 1 là cao nhất. Mâm thứ nhất là những người thuộc “chiếu trên” gồm có Lại Văn Hoài, Lâm Hoàng Thông, Võ Ngọc Thiện, Huỳnh Văn Thọ và Nguyễn Hoàng Minh. Mâm này có nhiều quyền thế hơn, có quyền sai khiến, ra lệnh cho các nhóm yếu thế phải phục tùng mình trong sinh hoạt lẫn nhiều thứ khác.
Mâm thứ hai gồm có Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Minh Xuân, Trần Viết Long, Trần Hoàng Vũ, Huỳnh Tấn Dậu. Mâm thứ ba gồm có Nguyễn Hoàng Minh (SN 1986), Mai Nhật Tân, Nguyễn Ngọc Phước, Trần Văn Tuế, Trần Văn Tú.
Trong sinh hoạt hằng ngày, Hoài tự đặt ra các quy định, buộc các can phạm khác phải tuân thủ, nhất là những can phạm mới nhập buồng. Nếu ai vi phạm hoặc tự ý sinh hoạt không xin phép, sẽ bị Hoài trực tiếp hoặc ra lệnh cho thuộc cấp đánh đập, tra tấn bằng những cách khác nhau như nhấn đầu xuống nước, cởi trần bò quanh phòng, chăn kiến, thậm chí là bắt ăn phân...
Mâm thứ ba thuộc tầng lớp “hạ lưu” và phải chịu trách nhiệm làm các công việc nặng nhọc, bẩn thỉu như rửa chén, giặt đồ, lau chùi phòng giam... Do anh Tú bị nhiễm HIV nên Hoài không được giao công việc gì vì thấy anh Tú yếu, một phần sợ lây lan cho người khác.
Đã trở thành một quy luật bất thành văn, những can phạm mới vào buồng, Hoài sẽ cho những người này tự chọn các con số 3, 6, 9 để có những hình thức “chào phòng” phù hợp. Can phạm chọn con số nào thì sẽ bị đánh vào ngực tương ứng con số can phạm chọn được. Nếu ai chống cự thì sẽ bị Hoài hoặc Hoài sẽ ra lệnh cho những “ma cũ” đánh “ma mới” không thương tiếc.
Dù là kẻ khét tiếng nhất phòng giam, nhưng lúc anh Tú nhập buồng Hoài biết can phạm Tú bị nhiễm HIV nên Hoài cho anh Tú nợ việc “chào phòng”. Tuy nhiên Hoài cũng nhấn mạnh rằng, nếu vi phạm và không nghe lời thì sẽ bị đánh gấp đôi.
Để hạn chế khả năng lây nhiễm bệnh tật cho những can phạm khác trong buồng, Hoài đặt ra điều kiện anh Tú là phải tắm cuối cùng.
Chiều 16/1/2013, anh Tú đi tắm khi tất cả các can phạm khác đã tắm xong. Trong lúc tắm, anh Tú bất cẩn để tay còn dính xà bông nhúng vào bồn nước, Hoài nhìn thấy và ra hiệu cho Thông đánh anh Tú.
Hoài đưa 6 ngón tay thì Thông đánh 6 cái vào ngực anh Tú. Sau khi dùng tay đánh, Hoài tiếp tục đưa 2 ngón thì Thông hiểu rằng đến lượt bồi thêm 2 cú mạnh nữa. Cùng lúc này, cán bộ trại giam đi điểm danh các can phạm, thấy cán bộ, Thông dừng lại. Tuy nhiên, khi cán bộ vừa rời đi, Hoài tiếp tục lệnh cho đàn em đánh anh Tú. Quá đau đớn, anh Tú cầu xin Hoài đừng đánh mình nhưng Hoài không đồng ý mà càng cho đàn em đánh mạnh hơn.
Đến chiều tối cùng ngày, Hoài trói anh Tú lại, không cho đi ăn cơm. Sau khi mọi người ăn cơm xong thì thấy anh Tú nằm bất động. Thấy vậy, Hoài không những không đến xem tình hình, mà còn cho rằng anh Tú giả vờ nên tiếp tục lệnh cho đàn em lôi anh Tú ra hành hạ tiếp.
Những đòn tra tấn của Hoài cùng nhiều can phạm khác đã khiến sức khỏe anh Tú càng lúc càng yếu ớt. Thấy nạn nhân thở yếu, lúc này Hoài mới cho đàn em thay đồ và xức dầu cho anh Tú rồi báo cho quản giáo trại giam đưa Tú đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi.
Kết quả giám định pháp y cho thấy, nguyên nhân cái chết của anh Tú do đa chấn thương. Sau khi anh Tú tử vong, Hoài ra lệnh cho tất cả những can phạm trong buồng rằng, nếu có bị điều tra thì phải khai anh Tú bị nghiện ma túy, vã thuốc nên các bị cáo lôi xuống nước cho tỉnh. Tuy nhiên thấy anh Tú lại bị trúng gió nên phải xức dầu nhưng nạn nhân vẫn chết. Sợ Hoài phạt nên khi bị hỏi, những người còn lại đều buộc phải khai báo như lời Hoài sắp đặt.
Trước vành móng ngựa vẫn ngoan cố
Vụ án đã được TAND đưa ra xét xử nhiều lần, nhưng đều bị hoãn, trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì lời khai của các bị cáo rất bất nhất, có dấu hiệu của việc vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra…
Tại phiên tòa ngày 22/8, Hoài thừa nhận mình là trưởng buồng giam A4, trại tạm giam công an huyện Bình Chánh nhưng không thừa nhận đã chỉ đạo những người khác đánh chết anh Tú.
Đồng phạm của Hoài, bị cáo Tiến khai từ khi bị bắt, bị cáo không biết anh Tú và những can phạm khác trong buồng giam, chỉ biết những người trong buồng giam đều làm theo lệnh của Hoài.
Còn các bị cáo còn lại, họ khai làm theo chỉ đạo của Hoài, tất cả cùng đánh anh Tú. Khi anh Tú cố thoát ra ngoài để kêu cứu, Hoài đã đá vào ngực, không cho đi.
Trong phần tranh luận, đại diện VKS giữ quyền công tố nhận định, bị cáo Hoài dù không nhận tội nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo khác đủ khẳng định Hoài là kẻ chủ mưu nên đề nghị HĐXX tuyên mức án tử hình đối với Hoài.
Hai bị cáo Thông và Tiến được xác định là hai người giữ vai trò giúp sức tích cực nhất cho Hoài. Thông là người trực tiếp đánh anh Tú nên cần tuyên mức án nghiêm khắc, cách lý các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Thông và Tiến cùng mức án chung thân.
Tám bị cáo còn lại cũng được xác định là đồng phạm của Hoài, có tham gia đánh anh Tú nên cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đại diện VKS đề nghị tuyên 8 bị cáo này với mức án từ 8 đến 20 năm tù.
Sau hai ngày nghị án, chiều 23/8, HĐXX TAND Thành phố đã thay nhận định các bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, chứ không phải tội giết người như đại diện VKS truy tố. Từ đó HĐXX chỉ tuyên phạt bị cáo Hoài 15 năm tù, tổng hợp với 7 năm tù trước đó, Hoài phải chịu 22 năm tù. Bị cáo Thông bị tuyên 14 năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên mức án từ 30 tháng đến 13 năm tù cùng về tội cố ý gây thương tích.
(Tên bị hại đã được thay đổi)