Bí mật kho vũ khí hạt nhân của Israel
Israel chưa bao giờ chính thức thừa nhận hoặc phủ nhận việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trong một bài đăng năm 2014, tờ Guardian của Anh cho biết Israel đang giấu kho vũ khí hạt nhân 'ước tính có 80 đầu đạn'.
Công nghệ ăn cắp và vật liệu “lậu”
Nằm sâu bên dưới lớp cát sa mạc, Israel cho chế tạo một quả bom hạt nhân bí mật, sử dụng công nghệ và vật liệu do các cường quốc thân thiện cung cấp hay được đánh cắp bởi mạng lưới điệp viên ngầm.
Theo Guardian, danh sách các quốc gia đã bí mật bán cho Israel vật liệu và kiến thức chuyên môn để chế tạo đầu đạn hạt nhân, hoặc làm ngơ trước hành vi trộm cắp công nghệ của nước này, bao gồm các nước chống phổ biến vũ khí hạt nhân như Mỹ, Pháp, Đức, Anh và Na Uy.
Trong khi đó, các đặc vụ Israel mua vật liệu phân hạch và công nghệ tiên tiến đã xâm nhập một số cơ sở công nghiệp nhạy cảm nhất trên thế giới. Nhóm gián điệp này được gọi là Lakam, bao gồm những nhân vật như Arnon Milchan - nhà sản xuất phim Hollywood.
Milchan không ngại sử dụng các mối quan hệ ở Hollywood để hỗ trợ cho công việc mờ ám của mình. Ông từng thừa nhận trong một bộ phim tài liệu, rằng ông đã lợi dụng chuyến thăm nam diễn viên Richard Dreyfuss để mời nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Mỹ, Arthur Biehl, tham gia hội đồng quản trị của một trong những công ty của ông.
Theo các nhà báo Israel Meir Doron và Joseph Gelman, Milchan được tuyển dụng vào năm 1965 bởi Tổng thống Israel Shimon Peres, người ông gặp trong một hộp đêm ở Tel Aviv. Milchan đã đóng vai trò trung tâm trong chương trình mua lại bí mật của Israel. Ông chịu trách nhiệm đảm bảo công nghệ làm giàu uranium quan trọng, chụp ảnh các bản thiết kế máy ly tâm, cũng như các bản thiết kế tương tự của tập đoàn làm giàu uranium châu Âu, Urenco…
Vì lý do đó, các máy ly tâm của Israel gần giống với các máy ly tâm của Iran, cho phép Israel thử nghiệm sâu máy tính, có tên mã là Stuxnet, trên các máy ly tâm của họ trước khi tung nó vào Iran. Chiến công đáng chú ý nhất của nhóm điệp viên Lakam, là năm 1968 nó đã “thiết kế” vụ mất tích một tàu chở đầy quặng uranium ở giữa Địa Trung Hải.
Trong vụ việc được gọi là vụ Plumbat, người Israel đã sử dụng mạng lưới công ty bình phong để mua lô hàng uranium oxit, được gọi là bánh vàng, ở Antwerp. Những chiếc bánh vàng được giấu trong những chiếc thùng có nhãn "plumbat", một chất dẫn xuất từ chì, được chất lên một chuyên cơ chở hàng do Công ty Liberia giả mạo thuê.
Việc mua bán được ngụy trang như một giao dịch giữa các công ty Đức và Italia với sự giúp đỡ từ các quan chức Đức, được cho để đổi lấy lời đề nghị của Israel giúp đỡ người Đức về công nghệ máy ly tâm.
Sự dung túng của phương Tây
Khi con tàu Scheersberg A cập cảng Rotterdam, toàn bộ thủy thủ đoàn đã bị giải tán với lý do con tàu đã được bán và một thủy thủ đoàn Israel đã thay thế họ. Con tàu đi vào Địa Trung Hải, và dưới sự bảo vệ của Hải quân Israel, hàng hóa đã được chuyển sang tàu khác. Các tài liệu của Mỹ và Anh được giải mật năm 2013, tiết lộ việc Israel mua khoảng 100 tấn bánh vàng từ Argentina vào năm 1963 và 1964.
Theo Guardian, Israel không hề e ngại về việc phổ biến bí quyết và vật liệu vũ khí hạt nhân. Họ đã giúp đỡ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi phát triển quả bom của riêng mình vào những năm 1970 để đổi lấy 600 tấn bánh vàng.
Lò phản ứng hạt nhân của Israel cũng cần đến oxit deuterium (nước nặng) để điều tiết phản ứng phân hạch. Vì điều đó, Israel đã quay sang Na Uy và Anh. Năm 1959, Israel đã mua được 20 tấn nước nặng Na Uy đã bán cho Anh nhưng dư thừa so với yêu cầu của chương trình hạt nhân của Anh.
Cả 2 nước Na Uy và Anh ban đầu đều cho rằng Israel mua vật liệu này để chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng rồi họ cũng chỉ dừng ở nghi ngờ. Tuy nhiên, dự án vũ khí hạt nhân của Israel không bao giờ có thể thành công, nếu không có sự đóng góp to lớn từ Pháp. Đây là nước có đường lối cứng rắn nhất trong việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng đã giúp đặt nền móng cho chương trình vũ khí hạt nhân của Israel.
Tại Dimona, các kỹ sư Pháp đã đổ xô đến giúp Israel xây dựng một lò phản ứng hạt nhân và một nhà máy tái chế bí mật có khả năng tách plutonium khỏi nhiên liệu lò phản ứng đã qua sử dụng. Đây chính là dấu hiệu thực sự cho thấy chương trình hạt nhân của Israel nhằm mục đích sản xuất vũ khí.
Vào cuối những năm 1950, có 2.500 công dân Pháp sống ở Dimona, biến nó từ một ngôi làng thành một thị trấn quốc tế, hoàn chỉnh với những trường trung học Pháp và những con phố đầy xe Renault. Toàn bộ nỗ lực này được tiến hành dưới bức màn bí mật dày đặc.
Nhà báo điều tra người Mỹ Seymour Hersh đã viết trong cuốn sách Lựa chọn Samson: "Các công nhân Pháp tại Dimona bị cấm viết thư trực tiếp cho người thân và bạn bè ở Pháp và những nơi khác, và phải gửi thư đến một hộp thư bưu điện giả ở Mỹ Latin".
Trong khi đó, Anh được thông báo rằng ở Dimona đang xây dựng viện nghiên cứu đồng cỏ sa mạc và nhà máy chế biến mangan. Mỹ, cũng bị Israel và Pháp giữ bí mật, đã cho máy bay do thám U2 qua Dimona trong nỗ lực tìm hiểu xem họ đang làm gì. Israel thừa nhận có lò phản ứng nhưng khẳng định nó phục vụ mục đích hòa bình.
Nhưng vai trò của Mỹ trong chương trình hạt nhân của Israel cũng khá lớn. Tại cuộc họp năm 1976, Phó Giám đốc CIA Carl Duckett đã thông báo cho các quan chức của Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Mỹ, rằng cơ quan này nghi ngờ một số nhiên liệu phân hạch trong bom của Israel là uranium bị đánh cắp từ một nhà máy chế biến của Mỹ ở Pennsylvania.
Đáng chú ý, không chỉ một lượng vật liệu phân hạch đáng báo động bị mất tích tại Tập đoàn Thiết bị và Vật liệu Hạt nhân (Numec), nó còn được một nhân vật tình báo Israel đến thăm, bao gồm cả Rafael Eitan, người được công ty mô tả là "nhà hóa học" của Bộ quốc phòng Israel, nhưng trên thực tế lại là đặc vụ hàng đầu của tình báo Mossad, người đứng đầu Lakam.
Chính sách im lặng của Mỹ vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, dù Israel dường như vẫn tiếp tục giao dịch trên thị trường chợ đen hạt nhân.
Israel luôn phủ nhận sự tồn tại của nhà máy tái xử lý ngầm dưới đất ở Dimona có khả năng chế tạo plutonium thành bom.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/bi-mat-kho-vu-khi-hat-nhan-cua-israel-post109692.html