Nằm ở vườn Aleksandrovsky sát chân tường Điện Kremly, Moscow, ngọn lửa Vĩnh cửu ở Mộ của những Chiến sĩ vô danh là một trong những đài kỷ niệm về cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại được tôn kính nhất của nước Nga. Phía sau ngọn lửa đã cháy suốt nhiều thập niên này là một câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa. Ảnh: Myslo.ru.
Theo đó, hài cốt của những người lính vô danh hy sinh trong trận Moscow năm 1941 ban đầu được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể của Đài tưởng niệm Shtyki - vị trí quân Đức tiến xa nhất ở chiến trường Moscow. Vào dịp kỷ niệm 25 năm trận chiến, những bộ hài cốt ở nơi đây đã được đưa về gần Điện Kremly. Ảnh: TASS.
Vào lúc 11h45 ngày 3/12/1966 (sau này, ngày này hàng năm được lấy là ngày Chiến sĩ vô danh), một chiếc xe kéo pháo đã đưa di hài từ đại lộ Leningrad tiến vào nội thành Moscow. Trên đường phố, đội quân danh dự bồng súng bước đều chậm rãi dọc hai bên cỗ quan tài được kéo đi chầm chậm. Các cựu binh chiến tranh Vệ quốc đi thành đoàn phía sau. Ảnh: Regnum.ru.
Khi cỗ xe đến gần tường thành Kremly, đội quân nhạc tấu lên khúc nhạc tang bi tráng mà hào hùng. Nhiều cựu binh và người dân chứng kiến thời khắc này đã không kìm được nước mắt. Sau khi quan tài được hạ, loạt đại bác rền vang để đưa tiễn các anh hùng. Mọi hoạt động trên toàn Liên bang Xô Viết đều dừng lại trong 3 phút để mọi người cúi đầu mặc niệm. Ảnh: Regnum.ru.
Ngày 7/5/1967, Liên Xô đã tổ chức một cuộc chạy tiếp sức để đưa cây đuốc được châm từ ngọn lửa Vĩnh cửu ở nghĩa trang Piskaryovskoye, Leningrad, về Moscow. Trên mọi ngả đường mà người cầm đuốc đi qua có hàng vạn người đứng trang nghiêm để bày tỏ sự tôn kính. Sau một ngày đêm, ngọn đuốc thiêng liêng đã về đến Moscow.
Ngọn lửa được thắp lên ở tâm điểm của một ngôi sao 5 cánh nằm giữa phần mộ xây bằng đá hoa. Phía sau mộ là bệ đài bằng đá đặt một chiếc mũ sắt Hồng quân phiên bản 1941 và lá cờ chiến thắng được đúc bằng đồng. Ảnh: E-cis.info.
Trên mặt đá của ngôi mộ khắc dòng chữ “Tên của anh không ai biết, chiến công của anh bất tử” - Имя твое неизвестно, подвиг твой бессмертен. Tác giả của lời văn bất hủ này là nhà văn Liên Xô Sergei Mikhalkov. Ảnh: Neinvalid.ru.
Phía bên phải ngôi mộ là một lối đi, bên cạnh có 9 khối đá hoa màu đỏ thẫm. Trên mỗi khối đá có khắc tên một thành phố anh hùng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc và hình ảnh ngôi sao vàng, tượng trưng cho Huân chương Anh hùng Liên bang Xô-viết. Ảnh: Ont.by.
Mỗi khối đá chứa một chiếc lọ đựng đất của các thành phố anh hùng Kiev, Minsk, Smolensk, Odessa, Murmansk, Leningrad, Tula, Moscow, Sevastopol, Kerch, Novorossiysk, Stalingrad và pháo đài anh hùng Brest. Ảnh: TASS.
Năm 1997, theo Nghị định của Tổng thống Nga Yeltsin, hai bên Mộ Chiến sĩ vô danh được lập hai bốt gác bằng kính. Hai người lính được điều từ Trung đoàn Kremly (hay còn gọi Trung đoàn Tổng thống) đứng trực trong bốt gác từ 8h đến 20h mỗi ngày, mỗi giờ đổi gác một lần. Ảnh: Fotokto.ru.
Từ năm 2009, theo Nghị định của Tổng thống Putin, Mộ Chiến sĩ vô danh ở Moscow được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa - lịch sử của nước Nga. Ảnh: Moscow 24.
Từ khi ngọn lửa Vĩnh cửu được thắp lên cho đến nay, như một truyền thống văn hóa, vào những ngày lễ quan trọng người dân Moscow cũng như trên khắp nước Nga sẽ đến trước Mộ Chiến sĩ vô danh thắp nến và dâng hoa cẩm chướng đỏ để tỏ lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống để họ có được cuộc sống bình yên ngày hôm nay. Ảnh: Mskagency.ru.
Mời quý độc giả xem video: Tổng thống Vladimir Putin sau 2 thập kỷ dẫn dắt nước Nga | VTV TSTC.
T.B (tổng hợp)