Được phát hiện năm 1965 tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), kiếm hơn 2.400 năm tuổi của Việt Vương Câu Tiễn là một trong những bảo vật của khảo cổ học Trung Quốc. Kiếm dài 55,7 cm, rộng 4,6 cm. Dù được đúc rèn hơn 20 thế kỷ, cây kiếm này hiện không bị hoen gỉ, vẫn giữ được độ sắc. Khi được phát hiện, nó có thể chém đứt chồng giấy 20 tờ.
Theo các nhà khảo cổ học, phần thân của lưỡi kiếm được làm chủ yếu bằng đồng. Cạnh kiếm có tỷ lệ thiếc cao hơn để đảm bảo độ sắc và cứng. Thành phần lưu huỳnh giúp kiếm giữ được độ sáng bóng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng thanh kiếm có một bao kiếm tốt, gần như kín khí, giúp nó được bảo quản tốt.
Cây kiếm này do sư tổ bảo kiếm Âu Dã Tử đúc. Việt Vương Câu Tiễn đã dùng khi mang quân đánh nước Ngô, buộc Ngô Vương phải tự vẫn.
Theo "Sử ký", Việt Vương Câu Tiễn (496-465 TCN) là vua nước Việt, sống vào thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Việt Vương Câu Tiễn nổi tiếng với câu chuyện “nếm mật nằm gai” để đánh bại vua Ngô là Phù Sai.
Lúc mới lên ngôi, Việt Vương Câu Tiễn liên tục bị quân Ngô đánh bại. Nhờ có Phạm Lãi hiến kế, Việt Vương Câu Tiễn từng bước ổn định thời cuộc, xây dựng binh lực, dần đánh bại các thế lực đối địch. Cuối cùng, ông đã hạ được đối thủ lớn nhất của mình là Ngô Phù Sai, làm chủ các nước chư hầu.
Việt Vương Câu Tiễn là người giỏi chịu nhục, chờ đợi thời cơ nhưng ông ta lại đa nghi, thường nghi kỵ những người bên cạnh mình. Sau khi sự nghiệp thành công, ông đã sát hại nhiều trung thần từng nếm mật nằm gai cùng mình lúc khó khăn. Điều này khiến nhiều trung thần đã bỏ ông ra đi.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing