Đất nước trong thế giới phẳng hiện nay chỉ khác biệt về văn hóa
Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, GS.Viện sĩ. Họa sĩ Ngô Xuân Bính đã đề cao giá trị của văn hóa dân tộc khi cho rằng, đất nước trong thế giới phẳng hiện nay chỉ có sự khác biệt về văn hóa.
Thực hiện kế hoạch số 266/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024 - 2025 và văn bản số 734/KH-SVHTT về việc hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo và triển khai tổ chức hoạt động trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo.
Là một trong những đơn vị có nhiệm vụ hàng đầu trong việc xây dựng không gian sáng tạo, chiều ngày 7/11/2024 Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp Tạp chí Mỹ Thuật, Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại” với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật.
Chia sẻ trong buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Quang - Kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị nhấn mạnh: “Hà Nội hướng đến xây dựng một thành phố văn hiến, văn minh và hiện đại, điều này nằm trong dòng chảy của Quốc tế.
Trước đây, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: “Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi”, trong những năm phát triển đất nước, chúng ta nhìn nhận quá nhiều về kinh tế, vật thể mà chưa nhìn nhận đủ về góc độ văn hóa đóng góp cho lĩnh vực kinh tế như thế nào. Vì vậy định hướng để đưa văn hóa, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước là mục tiêu rất quan trọng”.
TS Nguyễn Quang khẳng định, văn hóa phi vật thể lại gắn kết với vật thể, đem lại những giá trị vật chất cụ thể và hữu hình: “Năm 2028, đóng góp của ngành công nghiệp sáng tạo vào Hà Nội chiếm khoảng 1,4 tỷ đô la. Văn hóa là con đường, mục tiêu phát triển cho đất nước nhưng đồng thời nó cũng đem lại những giá trị vật chất rất cụ thể, điển hình như du lịch. Hà Nội có rất nhiều tài nguyên để khai thác cho những gia trị văn hóa đó bởi chúng ta là thủ đô có 1000 năm lịch sử, có rất nhiều lớp lang lịch sử.
Trên thế giới, có rất ít thành phố gắn kết phát triển đặc biệt như vậy. Chúng ta có những di tích từ thời còn là bộ lạc - đó là thành Cổ Loa, chúng ta có những di sản dấu ấn lịch sử của thời đại phong kiến thời Lý - Trần, sau này là thời kỳ thực dân - phố cổ Hà Nội, đến thời kỳ bao cấp và hiện tại là kinh tế thị trường.
Chưa kể đến hệ thống sinh thái sông hồ, những văn hóa vật thể và phi vật thể của những làng nghề, điều kiện tự nhiên, con người Hà Nội… đó là những tiềm năng lớn nếu biết khai thác sẽ tạo ra sự khác biệt của thủ đô Hà Nội”.
GS.Viện sĩ. Họa sĩ Ngô Xuân Bính thì cho rằng: “Một đất nước trong thế giới phẳng như hiện nay, chỉ có sự khác biệt về văn hóa. Sự tồn vong của Quốc gia về lâu về dài chính là phải giữ được toàn bộ tinh thần của dân tộc: nguồn lực, tầng lực và vĩ lực mới có thể tồn tại, không bị xoáy sâu vào những cuộc chiến”.
Văn hóa theo GS.VS Họa sĩ Ngô Xuân Bính không phải đến từ những văn tự hay những vật thể còn lại của các thời kỳ trước, mà nó đến từ những điều rất đơn giản, gần gũi với mỗi con người: “Cái gốc của văn hóa là văn hiến, cái gốc của văn hiến chính là huyền thoại. Huyền thoại có từ những câu chuyện ngày xưa, trong chuyện cổ tích hay có cả từ trong những lời ru của mẹ. Tương lai tôi có ngày hôm nay chính là từ những câu chuyện như vậy”.
Trong buổi tọa đàm, các diễn giả cũng đã phân tích, đánh giá về những thay đổi cơ bản trong định hướng văn hóa Thủ đô khi Kế hoạch số 266/KH-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội được triển khai. Đồng thời, bàn luận về những yếu tố truyền thống trong không gian sáng tạo và nhận thức của người trẻ.
Nhìn nhận ở góc độ về quan điểm của thế hệ trẻ, Ths. Phạm Minh Quân - Nhà nghiên cứu nghệ thuật, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong sự thay đổi của thị hiếu thẩm mỹ, đặc biệt là giới trẻ tiếp nhận với văn hóa phương tây và ngoại lai quá nhiều. Trong một nhân loại rộng lớn như vậy, để định vị con người Việt thì phải tìm đến tính đồng loại.
Không ít giới trẻ hiện nay có một sự đứt đoạn với truyền thống, tuy nhiên theo Ths. Phạm Minh Quân, thế hệ trẻ dù ở bất cứ ngành học nào đều có một tâm niệm trong đầu, cảm hứng sáng tạo rằng bên cạnh những công nghệ của phương Tây, các bạn luôn tìm về những giá trị văn hóa như một nét đặc sắc của riêng mình.
Nằm trong chuỗi kế hoạch hoạt động của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo và triển khai tổ chức hoạt động trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo, sáng ngày 10/11/2024 sẽ diễn ra Triển lãm gốm nghệ thuật “Hiện Linh” của GS.Viện sĩ. Họa sĩ Ngô Xuân Bính tại không gian sáng tạo ngoài sân vườn của Bảo tàng Hà Nội.
Triển lãm sẽ giới thiệu gần 200 tác phẩm gốm điêu khắc lần đầu được ra mắt của GS.Viện sĩ. Họa sĩ Ngô Xuân Bính với những cách thể hiện, công nghệ định danh chưa xuất hiện tại bất kỳ một cuộc triển lãm nào tại Việt Nam.
Triển lãm gốm Hiện Linh sẽ kéo dài đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025 tại Bảo tàng Hà Nội. Không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội với những hoạt động quy mô, ấn tượng như triển lãm Hiện Linh sẽ đáp ứng được mong mỏi của khách tham quan trong và ngoài nước, những người yêu nghệ thuật khi đến với Thủ đô và thu hút được đông đảo các bạn trẻ, tương lai của đất nước, để những giá trị văn hóa truyền thống được nối dài thông qua những không gian sáng tạo đương đại.