Bí mật về cơ quan tình báo thâm niên nhất nước Mỹ
Tình báo hải quân Mỹ (NI) được thành lập ngày 23/3/1882, là cơ quan tình báo có thâm niên hoạt động lâu nhất nước Mỹ.
Do Tham mưu trưởng hải quân trực tiếp chỉ đạo, NI có nhiệm vụ cung cấp tin tình báo cho các hoạt động tác chiến cấp chiến dịch, góp phần nâng cao khả năng tình báo quốc gia và tình báo liên hợp nhằm trợ giúp các hoạt động hải quân.
Cơ cấu, quân số
Với sở chỉ huy đóng tại bang Maryland, NI có 9 phòng: Phòng lưu trữ và kế hoạch; Phòng bảo đảm an ninh; Phòng thông tin tác chiến; Phòng đảm bảo tác chiến; Phòng kế hoạch đặc biệt; Phòng đảm bảo kỹ thuật tác chiến; Phòng nhân sự; Phòng thông tin cơ sở hạ tầng và xã hội; Phòng kế hoạch chiến lược và chính sách.
Ngoài ra, NI còn có các phòng tình báo hạm đội và các phòng an ninh hải quân. Người đứng đầu những cơ quan này đều có trần quân hàm chuẩn đô đốc.
NI sở hữu hệ thống giám sát các mục tiêu toàn diện trên biển, ngoài nhiệm vụ theo dõi các tàu quân sự cỡ lớn của Nga và Trung Quốc, còn theo dõi hàng trăm nghìn thương thuyền vận chuyển hàng hóa qua lại trên tuyến đường quốc tế. Hệ thống này đã được nâng cấp thành hệ thống trinh sát sonar có thể kiểm soát tầm xa.
Thông qua thiết bị sonar được bố trí trên không, trên mặt nước và dưới đại dương, NI có thể thu thập được các tín hiệu khác nhau, sau đó thông qua máy tính phân tích phát hiện các tàu khả nghi để có thể tiến hành các biện pháp kiểm tra, đối phó….
Biên chế lực lượng NI lên tới 7.700 người, trong số đó gần 3.500 người phục vụ thường trực trong hải quân Mỹ (bao gồm cả sĩ quan và hạ sĩ quan), số còn lại là quân dự bị và chuyên gia.
Con số này nhỏ hơn 1% biên chế chung của lực lượng hải quân Mỹ, vì thế kinh phí của các cơ quan và phương tiện tình báo, một nửa được lấy từ ngân sách hải quân, phần còn lại được cấp bởi cộng đồng tình báo (các quỹ ngoài ngân sách).
Bố trí lực lượng
Gần một nửa (46%) biên chế chính quy của NI phục vụ trên boong (chủ yếu trên tàu sân bay và trên tàu tấn công). Trong đó, trung tâm tình báo của cụm chiến đấu tàu sân bay có tới 100 nhân viên, của nhóm tàu tấn công có khoảng 55 người.
Các chuyên gia tình báo tham gia trực tiếp vào chiến dịch trinh sát của hải đoàn thủy phi cơ, tàu phóng lôi, máy bay hải quân, các nhóm tàu tấn công và các cơ quan trên bờ của hạm đội, trong phi đội máy bay trên tàu và máy bay tuần tiễu cũng như các nhóm trinh sát - nghi binh của lực lượng tác chiến đặc biệt hải quân.
Có mặt trên các tàu ngoài biển, tại các vùng tiền tiêu và vùng giáp ranh, các chuyên gia trinh sát bảo đảm cho chỉ huy các cấp thông tin cần thiết trong việc đưa ra các quyết định. Trên các tàu đổ bộ trong thành phần của nhóm tấn công trinh sát, các chuyên gia NI nghiên cứu chi tiết thông tin về tình huống và trạng thái trong vùng đổ bộ của các đơn vị hải quân đánh bộ.
Theo yêu cầu của không quân hạm đội, NI kết hợp các nhiệm vụ trinh sát với các nhiệm vụ chiến đấu, phân tích tình huống ở tất cả các giai đoạn tiến hành tác chiến tấn công: lập kế hoạch và lựa chọn mục tiêu, thực hiện các cuộc oanh tạc và đánh giá kết quả tiêu diệt mục tiêu, thiệt hại của đối phương và những tổn thất của quân nhà.
Gần một phần ba (29%) quân số của NI thuộc biên chế các trung tâm trinh sát liên hợp tại chiến trường, trong bộ tham mưu các tập đoàn quân, Cục tình báo quốc phòng (DIA) và Văn phòng trinh sát quốc gia (NRO). Các sỹ quan NI đảm nhiệm chức trách chỉ huy tại các trung tâm trinh sát hợp thành chiến trường tại châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương; lãnh đạo các cơ quan tình báo tại Pakistan, Afghanistan, trong các bộ tham mưu tập đoàn quân Mỹ.
25% lực lượng còn lại của NI là quân thường trực trong biên chế các hạm tàu ven bờ. Trong số đó, 5% (chủ yếu là các nhân viên tình báo chuyên nghiệp) làm công tác huấn luyện, đào tạo, được trả lương bởi hệ thống tình báo quốc gia.
Lực lượng này là hạt nhân của tình báo chiến dịch hải quân, có nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu tin tình báo không chỉ của lực lượng hải quân, mà còn cho các cơ quan quân sự, dân sự khác.
Lực lượng này còn tham gia vào quá trình thiết kế, chế tạo và mua sắm các loại vũ khí trang bị mới; phân tích các mối đe dọa hiện tại và tương lai, khả năng chống trả chúng; luận chứng sử dụng chiến đấu hạm đội ở nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả tác chiến của hạm đội.
Các sĩ quan tình báo này cũng là chuyên viên trong lĩnh vực luật pháp quốc tế, quốc gia và giao thông trên biển; cùng với lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ kiểm soát tình trạng giao thông trên biển, trong các căn cứ và cảng biển, bảo đảm an ninh nội địa của nước Mỹ.
Trong hệ thống NI không có cơ quan theo dõi hoạt động dưới nước, công việc này được thực hiện bởi tất cả các lực lượng, phương tiện và hệ thống theo dõi phân tích dưới nước (IUSS) của lực lượng tàu ngầm. Các thông tin về tình hình dưới nước được chuyển theo đường cáp về trung tâm xử lý tin, sau đó gửi về Bộ Tư lệnh hải quân.