Bí mật về cuộc chiến kì quặc trong Thế chiến thứ Hai
Ngày 1/9/1939, không tuyên chiến, quân Đức tràn vào Ba Lan, khởi đầu Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Để tấn công Ba Lan, phía Đức đã có sự chuẩn bị từ lâu và sử dụng một lực lượng to lớn: 70 sư đoàn, trong đó có 7 sư đoàn xe tăng, 6 sư đoàn cơ giới và hơn 3.000 máy bay. Trong khi đó, Ba Lan thiếu chuẩn bị cả về tinh thần và vật chất; một bộ phận lớn quân đội Ba Lan lại tập trung ở biên giới phía đông để chống Liên Xô.
Từ ngày 12 đến ngày 16/9, quân Đức siết chặt vòng vây xung quanh thành phố Warsazwa và tiếp tục tiến về phía đông. Chỉ trong vài ngày, thủ đô Ba Lan tan hoang trong khói lửa, nước Ba Lan bị thôn tính.
Trong khi đó, một “cuộc chiến kì quặc” đã diễn ra ở phía tây nước Đức: Liên quân Anh-Pháp dàn trận ở Bắc Pháp dọc theo biên giới Đức, nhưng không tấn công quân Đức và cũng không có một hành động quân sự nào để đỡ đòn cho đồng minh Ba Lan.
Hiện tượng “tuyên” mà không “chiến” (được các nhà báo Mỹ gọi là “cuộc chiến kì quặc” (Phoney war), người Pháp gọi là “cuộc chiến tranh buồn cười”, còn người Đức gọi là “chiến tranh ngồi”) kéo dài suốt trong 8 tháng (từ tháng 9/1939 đến tháng 4/1940). Trong suốt thời gian này, quân đội hai bên hầu như chỉ ngồi trong chiến hào nhìn sang nhau, thỉnh thoảng quân Pháp chỉ mở những cuộc tiến công ngắn mang tính tượng trưng rồi lại trở về vị trí cũ.
Sở dĩ có hiện tượng này là do giới cầm quyền Anh, Pháp vẫn còn ảo tưởng về một sự thỏa hiệp với Hitler. Mặt khác, do Bộ tổng tư lệnh liên quân đứng đầu là tướng Pháp Gamelain áp dụng chiến thuật phòng ngự, mong dựa vào phòng tuyến Maginot kiên cố để đánh bại quân Đức.
“Cuộc chiến kì quặc” đã giúp cho nước Đức phát xít mạnh lên. Lợi dụng thời gian hưu chiến suốt mùa đông 1939-1940, Đức phát triển bộ binh lên tới 136 sư đoàn, xe tăng 10 sư đoàn, máy bay 40.000 chiếc.
Thực lực của Đức đã tăng lên khoảng gấp đôi thời kì trước khi đánh Ba Lan. Trong khi đó, các chính phủ Anh, Pháp lại không nghĩ đến việc củng cố phòng thủ đất nước, sản xuất vật tư chiến tranh không tăng, một phần vũ khí và quân trang, quân dụng làm ra lại gửi sang Phần Lan.
Lập trường chống Liên Xô làm cho giới cầm quyền Anh, Pháp trở nên thiển cận. Mặc dù nguy cơ Đức tấn công các nước phương Tây ngày càng rõ nét và dù biết điều đó, họ vẫn không thay đổi chính sách, vẫn nuôi hi vọng Hitler sẽ hướng quân đội về phía đông, tấn công Liên Xô.
Trong khi đó thì Đức đang chuẩn bị tỉ mỉ kế hoạch xâm chiếm các nước Tây Âu. Ngày 9/4/1940, quân Đức tràn vào Đan Mạch và Na Uy. Chính phủ hai nước này ra lệnh cho quân đội hạ vũ khí. Ngày 10/5, quân Đức đồng loạt tấn công Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Pháp, các cuộc giao tranh giờ mới chính thức diễn ra. Lực lượng hai bên không chênh lệch lắm: phía Đức có 136 sư đoàn (kể cả dự bị), phía Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan có 133 sư đoàn.
Thế nhưng, ngày 15/5, quân đội Hà Lan đầu hàng, chính phủ Hà Lan chạy sang London. Ngày 27/5, đến lượt Bỉ đầu hàng vô điều kiện. Ngày 5/6, những đoàn xe tăng của tướng Đức Kleist nhanh chóng vượt qua phòng tuyến Maginot, hướng về Paris. Ngày 10/6, chính phủ Pháp bỏ Paris chạy về Bordeaux.
Tại Bordeaux, chính phủ Pháp chia rẽ làm hai nhóm. Một nhóm do Thủ tướng Reynaud cầm đầu sẵn sàng giao nước Pháp cho Anh theo “sáng kiến liên minh Anh-Pháp” của Thủ tướng Anh Churchill; nhóm thứ hai do Thống chế Pétain cầm đầu muốn đầu hàng Đức, vì cho rằng “thà làm một tỉnh quốc xã còn hơn là một xứ tự trị của Anh”.
Bị thiểu số, ngày 16/6/1940, Thủ tướng Reynaud từ chức. Pétain lên thay, ngày 22/6/1940 kí với Đức bản Hòa ước Rethondes nhục nhã. Theo đó, Pháp bị tước vũ trang, hơn 3/4 lãnh thổ Pháp bị Đức chiếm đóng và Pháp phải nuôi toàn bộ quân đội chiếm đóng Đức.
Chính sách thỏa hiệp, đầu hàng của giới cầm quyền Pháp, Anh trước phát xít Đức đã giúp Đức nhanh chóng chiếm đóng Ba Lan, Tây Âu và chính nước Pháp. Qua đó, đem lại cho Đức ưu thế chiến lược to lớn, một mặt có được bàn đạp cho hoạt động trên không và trên biển chống lại Anh, mặt khác rảnh tay chuẩn bị cho mặt trận phía đông chống Liên Xô.
Nước Anh, dù có lợi thế nằm tách rời lục địa, cũng không tránh được đòn trừng phạt của Hitler. Tháng 8/1940, Đức bắt đầu triển khai chiến dịch “Cuộc chiến giành nước Anh”, tấn công bằng không quân vào Anh. Đồng thời, phong tỏa chặt chẽ hải phận Anh bằng “chiến tranh tàu ngầm”, đánh đắm nhiều tàu chiến và gây cho Anh những thiệt hại to lớn.
Trong bối cảnh nguy ngập như vậy, Anh phải cầu cứu Mỹ. Tận dụng cơ hội Anh thiếu vũ khí trầm trọng, Mỹ hứa giúp Anh nhưng với những điều kiện nặng nề: Anh phải chuyển giao cho Mỹ những căn cứ quan trọng về chiến lược ở Đại Tây Dương cùng những phát minh khoa học – kỹ thuật mới nhất như về radar, về bom nguyên tử… Đổi lại, Mỹ giao cho Anh gần 1 triệu khẩu súng trường thời kỳ 1917-1918 và 50 tàu khu trục cũ kĩ…