Bí mật về những người khoác áo blouse trong phòng khám tư giữa trung tâm Đà Nẵng
Bằng thủ đoạn tinh vi, nhóm đối tượng đã lập ra phòng khám đa khoa trá hình, sử dụng người không có chuyên môn y tế giả danh bác sĩ để khám chữa bệnh, thực hiện thủ thuật với kịch bản có sẵn nhằm trục lợi hàng chục triệu đồng từ mỗi khách hàng.
"Bác sĩ rởm", thủ thuật thật
Ngày 15/7, Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Nẵng, cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng liên quan đến hành vi lừa dối khách hàng xảy ra tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng, địa chỉ 180 Trần Phú.
Theo thông tin ban đầu, trong số này, 4 người bị bắt tạm giam, 3 người bị cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ điều tra.
Các đối tượng gồm: Trương Thị Hạ Liên (SN 1976, quê quán Đà Nẵng), Nguyễn Thị Mỵ (SN 1985, quê quán Hà Nội), Nguyễn Kim Hoàng Yến (SN 1980, quê quán Hà Nội), Lê Thị Nhung (SN 1992, quê quán Thanh Hóa), Trương Thị Kim Lụa (SN 1995, quê quán Đà Nẵng), Võ Thành Trung (SN 1993, quê quán Đà Nẵng) và Bùi Thị Thuận (SN 1994, quê quán Đà Nẵng). Đây là các nhân sự giữ vai trò quản lý, điều hành và trực tiếp tham gia chuỗi hoạt động gian dối tại phòng khám.

Các đối tượng bị khởi tố trong vụ án.
Theo điều tra, phòng khám trên do Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng quản lý, đăng ký kinh doanh ngành nghề y tế, khám chữa bệnh các chuyên khoa nam học, phụ khoa, bệnh lây qua đường tình dục và phá thai.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động, cơ sở này đã tuyển dụng hàng loạt người không có chuyên môn, không có chứng chỉ hành nghề, để "đóng giả" bác sĩ. Những "bác sĩ rởm" này mặc áo blouse, đeo bảng tên giả, trực tiếp khám, tư vấn, thực hiện thủ thuật như cắt bao quy đầu, khám phụ khoa, phá thai... như người có chuyên môn.
Công an xác định, cơ cấu tổ chức tại đây vận hành theo mô hình khép kín, phân vai rõ ràng: Người tư vấn bệnh, người thao tác thủ thuật, người đứng tên pháp lý, nhưng không ai được biết toàn bộ quy trình của người khác. Các đối tượng còn xây dựng sẵn "kịch bản đối phó" khi có đoàn kiểm tra.
Cụ thể, nếu phát hiện có đoàn thanh tra từ Sở Y tế hoặc công an, các "bác sĩ rởm" lập tức tháo bảng tên, di chuyển xuống tầng hầm theo lối thoát được thiết kế riêng, nhường chỗ cho bác sĩ có bằng cấp thật nhưng thường xuyên vắng mặt tại cơ sở.
Kịch bản "vẽ bệnh", nâng giá dịch vụ
Từ đầu vào với mức giá tư vấn online từ 199.000 đồng đến 1 triệu đồng, khách hàng bị dẫn dắt vào chuỗi thủ đoạn nâng gói dịch vụ lên từ 10 đến 50 triệu đồng. Theo kịch bản dựng sẵn, "bác sĩ" sẽ thông báo tình trạng bệnh nặng, đe dọa biến chứng nếu không điều trị gói dịch vụ cao hơn, khiến khách hàng lo lắng mà đồng ý chi trả.
Trong quá trình thủ thuật, nếu khách hàng chọn gói rẻ, các đối tượng sẽ cố tình gây đau đớn hoặc mô tả nguy cơ để buộc họ chuyển sang gói "không đau" với giá từ 5 đến 30 triệu đồng. Một số trường hợp còn bị yêu cầu chuyển tiền ngay trên bàn mổ, trong lúc đang đau đớn và lo sợ biến chứng.

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng.
Dù chọn gói nào, khách hàng đều bị dồn ép đến mức buộc phải đồng ý với dịch vụ cao nhất. Qua thống kê ban đầu, có ít nhất 17 trường hợp là nạn nhân, với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 376 triệu đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.Đà Nẵng đang mở rộng điều tra vụ án. Cơ quan chức năng kêu gọi những ai từng là nạn nhân khi sử dụng dịch vụ tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng khẩn trương liên hệ cung cấp thông tin.
Người dân có thể đến trực tiếp Văn phòng Cơ quan CSĐT (Đội 4), địa chỉ 47 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng. Số điện thoại liên hệ: Điều tra viên Trần Công Anh, 0983.203.337 hoặc Trực ban: 0694.260.254.