Sự tăng trưởng của đồng Ruble Nga (RUB) trong điều kiện hứng chịu các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây liệu có bền vững, hay tình hình sẽ sớm trở lại mức "trượt dốc không phanh" như hai tháng trước?
Tỷ giá hối đoái với đồng Ruble Nga có thể đạt mức cao nhất lịch sử dưới áp lực trừng phạt của phương Tây, tờ báo Sohu của Trung Quốc nhận định.
Theo các nhà phân tích, trong tháng qua, đồng RUB đã cho thấy khả năng "sống sót" của nó khi mạnh lên đáng kể so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, đó là đồng USD và đồng EUR.
Nhìn lại quá khứ, với việc phương Tây thông qua gói trừng phạt vào đầu tháng 3, đồng USD khi đó đổi được 105 RUB và EUR là 115 RUB, nhưng tính đến ngày 7/5, tỷ giá hối đoái đã khác đáng kể.
Giờ đây, 1 USD đổi được 67 RUB, trong khi 1 EUR có giá 71 RUB. Sự tăng trưởng nhanh chóng như vậy của đồng tiền Nga được giải thích bởi chính sách tài chính được ngân hàng trung ương nước này đưa ra.
Tờ Sohu viết: “Đồng RUB đã mạnh lên trong một thời gian ngắn, và nó vẫn có thể tăng trưởng, bởi vì thủ tục thanh toán bằng đồng RUB đối với các sản phẩm năng lượng đã có hiệu lực, nhưng vẫn còn một vài yếu tố khác hỗ trợ nó".
Kể từ ngày 1/4, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã và đang đảm bảo việc đồng RUB mạnh lên, khi các công ty dầu khí của họ mở tài khoản tiền tệ bằng đồng RUB với ngân hàng Gazprombank để mua khí đốt.
Khi chuyển EUR và USD vào một tài khoản, ngân hàng sẽ chuyển chúng thành RUB và đưa sang một tài khoản khác - hiệu quả của bước đi như vậy gần như tức thời và giúp giảm bớt áp lực của các lệnh trừng phạt.
Một yếu tố khác đã giúp đồng RUB tăng giá là sự hội nhập của Nga vào nền kinh tế thế giới. Dù Washington có cố gắng cô lập Moskva như thế nào, nước này vẫn có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến các thị trường thế giới.
Nhiều quốc gia vẫn quan tâm đến việc giao thương với Nga, đặc biệt là khi họ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng theo nhận xét là sắp xảy ra với mức độ khốc liệt.
“Có rất nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục hợp tác với Moskva. Đây chắc chắn là sự hỗ trợ gián tiếp cho Liên bang Nga, điều này có tác động tích cực đến tỷ giá đồng RUB. Điều này bao gồm thương mại với Trung Quốc và Ấn Độ".
"Nga đã thực hiện các thanh toán song phương bằng nội tệ và các nước BRICS tuân thủ những chiến lược hợp tác ổn định. Tất cả điều này góp phần vào sự hội nhập sâu hơn của Nga vào thị trường thế giới”, ấn phẩm Sohu cho biết.
Ở giai đoạn kinh tế tiếp theo, đồng RUB sẽ tiếp tục tăng giá. Các nhà phân tích cho rằng trong tương lai, Nga sẽ có thêm nhiều khách hàng mua năng lượng hơn, cũng như các nhà đầu tư vào đồng tiền quốc gia của mình.
“Các tài sản tính bằng đồng RUB có triển vọng đầu tư dựa vào năng lượng, nông sản và hàng hóa của nga. Châu Âu và Mỹ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva nhưng song song đó là việc mua dầu của Nga một cách vội vàng".
"Hiện dư địa cho sự tăng trưởng của đồng RUB vẫn còn rất lớn. Có thể tỷ giá hối đoái của nó sẽ lên mức cao nhất trong lịch sử”, tờ báo Trung Quốc dự đoán.
Mặc dù vậy, tình hình vẫn có thể thay đổi một cách chóng mặt nếu phương Tây chính thức áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, viễn cảnh này dự báo diễn ra vào cuối năm nay, khi đó bệ đỡ lớn nhất cho đồng RUB sẽ không còn nữa.
Việt Dũng