Bí mật xấu xí bên trong xưởng thời trang ở Los Angeles
Với mục tiêu thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm, nhiều thương hiệu thời trang nhanh bất chấp bỏ qua những tác động tiêu cực đến môi trường và nhân công.
Zing trích dịch bài đăng trên New York Times, đề cập vấn đề chèn ép người lao động, cắt giảm lương đến mức tối đa của các nhà máy hợp tác với thương hiệu thời trang nhanh tại Mỹ.
Sự xuất hiện của nền công nghiệp Fast Fashion đã tái định nghĩa lại khái niệm về thời trang của nhiều người. Với mục tiêu thúc đẩy người tiêu dùng mua càng nhiều càng tốt, không ít thương hiệu bất chấp bỏ qua những tác động tiêu cực đến môi trường và nhân công.
Fashion Nova - một trong những hãng thời trang nhanh hàng đầu thế giới - đã tạo dựng thành công dựa trên nền tảng trực tuyến.
Thương hiệu này tận dụng sức hút của người nổi tiếng, influencer và các tín đồ thời trang để quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Tất cả đều nhằm tiếp cận đối tượng khách hàng ưu chuộng mua hàng online, sản xuất hàng loạt quần áo giá rẻ trông đắt tiền.
“Họ mua rất nhiều kiểu áo khác nhau nhưng chỉ mặc vài lần để trang Instagram luôn bắt mắt, tươi mới”, Richard Saghian, người sáng lập của Fashion Nova, chia sẻ.
Để tạo ra thói quen đó, Saghian cùng đội ngũ của mình luôn cung cấp cho khách hàng những mẫu mã mới mang tính thị hiếu phù hợp với túi tiền của mỗi người.
Thời của chiếc quần jeans 200 USD đã qua khi áo khoác denim của Fashion Nova chỉ có giá 24,99 USD. Tuy nhiên, đằng sau sự thành công vượt bậc của thương hiệu này là một bí mật xấu xí bị giấu nhẹm.
Theo New York Times, bên trong các nhà máy của Fashion Nova luôn tồn tại một bộ phận công nhân may mặc bị chèn ép với mức lương “còi cọc”.
Vắt kiệt sức
Không ít công xưởng ở Los Angeles trả lương bất hợp pháp cho nhân viên với tiêu chí “càng ít càng tốt”. Nhiều người làm việc tại đây không có giấy tờ pháp lý. Vì thế, họ không thể đấu tranh cho bản thân hay yêu cầu chế độ đãi ngộ tốt hơn.
“Hệ thống này có tất cả đặc điểm của một sweatshop (tạm dịch: xưởng vắt mồ hôi)”, David Weil, quan chức cao cấp Bộ Lao động Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nói.
Trong các cuộc điều tra liên quan đến vi phạm tiền lương được thực hiện từ năm 2016 đến năm nay, chính phủ Mỹ phát hiện nhiều nhà máy của Fashion Nova nợ tiền lương của hàng trăm công nhân lên đến 3,8 triệu USD.
Những nơi này thường được thuê làm trung gian để sản xuất hàng may mặc cho các nhãn hiệu thời trang. Công nhân làm việc tại đây chỉ được trả là 2,77 USD/giờ.
Năm 2018, ông Saghian cho biết khoảng 80% quần áo của Fashion Nova được sản xuất tại Mỹ. Chuỗi cung ứng của thương hiệu này đã có nhiều thay đổi đáng kể. Giờ đây, số lượng quần áo được làm ra ở Los Angeles đã giảm một nửa.
Họ không còn làm việc trực tiếp với các nhà máy. Thay vào đó, họ hợp tác với các công ty thiết kế quần áo, đặt hàng số lượng lớn rồi vận chuyển đến các nhà thầu may, nơi công nhân ráp nối vải lại với nhau và dán nhãn của Fashion Nova lên.
Nơi làm việc tồi tàn
Mercedes Cortes (56 tuổi) nhận gia công quần áo cho Fashion Nova trong vài tháng tại Coco Love. Theo Cortes mô tả, nơi cô làm việc là một nhà máy bụi bặm gần văn phòng của Fashion Nova ở Vernon, California. “Có gián, chuột, cơ sở vật chất không tốt lắm", Cortes kể.
Cô phải đi làm cả tuần nhưng lương không ổn định. Cortes được trả tiền cho mỗi chiếc áo sơ mi mà cô may - khoảng 4 xu cho ống tay áo, 5 xu với các đường may bên hông, 8 xu ở đường viền cổ áo. Trung bình, cô kiếm được 270 USD/tuần, tương đương 4,66 USD/giờ.
Năm 2016, Cortes rời Coco Love và nhận được 5.000 USD tiền bồi dưỡng. Sau đó, cô vẫn tiếp tục làm việc trong nhà máy Fashion Nova. Mỗi chiếc áo cô làm ra được bán với giá 12 USD. “Quần áo quá đắt so với những gì họ trả cho chúng tôi”.
Theo luật liên bang, các thương hiệu không thể bị phạt vì hành vi cắt xén tiền lương nếu họ đưa ra được bằng chứng cho thấy họ không biết sản phẩm được làm ra bởi công nhân bị trả lương bất hợp pháp.
Mặc dù Fashion Nova đã thực hiện nhiều cách để giải quyết cáo buộc của Bộ Lao động, bà Meierhans, cố vấn chung của thương hiệu, cho biết họ vẫn làm việc với hàng trăm nhà sản xuất và “không chịu trách nhiệm về cách các đơn vị bên ngoài quản lý bảng lương”.
Saghian mở cửa hàng Fashion Nova đầu tiên vào năm 2006 trong một trung tâm mua sắm ở Los Angeles. 7 năm sau, anh nhận ra rằng mình đang mất dần khách hàng vào các cửa hàng trực tuyến khi bán cùng loại quần áo.
Một nhà phát triển web đã đề nghị anh khởi động một trang bán hàng trực tuyến bởi vì không ai biết Fashion Nova là gì.
Năm 2013, Saghian mở tài khoản Instagram và bắt đầu đăng ảnh quần áo của mình lên đó. Saghian phát hiện ra một số khách thường xuyên đến cửa hàng của anh là người nổi tiếng trên mạng.
Saghian bắt đầu tặng quần áo miễn phí cho họ và nhờ đăng ảnh mặc đồ của Fashion Nova lên trang cá nhân.
“Mọi người đều muốn nổi tiếng. Ai cũng muốn có thêm nhiều follower. Khi gắn thẻ influencer, số người theo dõi sẽ tăng lên”, Saghian nói.
Để thu hút sự quan tâm của khách hàng, Fashion Nova sản xuất hơn 1.000 mẫu mới mỗi tuần. Một phần nhờ vào khả năng đáp ứng nhanh của các bên sản xuất. “Nếu có một ý tưởng nào đó xuất hiện trong đầu vào tối chủ nhật, ngay chiều hôm sau, tôi sẽ có đồ mới”.
Nhiều người tranh giành cơ hội làm ăn với Saghian. Họ chen chúc nhau trong 6 dãy nhà của khu may mặc ở trung tâm thành phố Los Angeles.
Đây là những công ty thiết kế mẫu quần áo và bán với số lượng lớn cho Fashion Nova cũng như các nhà bán lẻ khác.
Đổi tên để tránh bị phạt
Amante Clothing là một trong những đơn vị thường xuyên hợp tác với Fashion Nova. Thương hiệu này đã trả cho Amante 7,15 USD/người cho mỗi đơn hàng số lượng lớn, theo một cuộc điều tra của Bộ Lao động Mỹ được thực hiện vào tháng 12 năm ngoái.
Sau đó, Amante giao đến một nhà máy tên là Karis Apparel để gia công. Amante trả cho Karis 2,20 USD với mỗi bộ quần áo.
Sau đợt càn quét của nhóm điều tra, Karis đã ngừng hoạt động vào tháng 4/2020, còn nhiều nhà máy khác thì trốn phạt.
Khi Teresa Garcia bắt đầu làm việc tại Sugar Sky, nó được gọi là Xela Fashion. Nhưng vài tháng sau, công ty của cô đổi tên thành Nena Fashion dù địa chỉ vẫn như cũ. Nó được thành lập bởi Leslie Sajche, một người họ hàng của ông chủ Garcia. Sau đó một năm, Nena Fashion lại có tên mới là GYA Fashion.
Năm 2017, nhà máy được chuyển đến khu công nghiệp ở phía đông Los Angeles và bắt đầu sử dụng một cái tên khác - Sugar Sky. Bà Garcia tin rằng mục đích của những lần đổi tên là để tránh bị chính quyền đóng cửa. Một số công nhân, bao gồm cả Garcia, đã đệ đơn kiện Xela, Nena, Gya và Sugar Sky để đòi lại tiền lương của mình.
“Họ liên tục đổi tên để không phải trả tiền cho mọi người”, Fernando Axjup, nhân viên cũ của công ty này, cho hay. Khi còn làm quản lý, ông có quyền truy cập dữ liệu bảng lương và biết rằng cô Garcia hiếm khi nhận được mức lương tối thiểu.
Ông Axjup cho rằng nguyên nhân mình bị sa thải là do đứng ra bênh vực những người lao động như Garcia.