Bị Mỹ áp thuế, 'vua tôm' Minh Phú cho biết sẽ kháng cáo
Cơ quan Hải quan Mỹ dựa theo Đạo luật Thực thi và Bảo hộ (EAPA) kết luận sản phẩm tôm đông lạnh do Tập đoàn Thủy sản Minh Phú của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải chịu thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ.
Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ (CBP) đã dựa theo Đạo luật Thực thi và Bảo hộ (EAPA) và công bố kết luận rằng "sản phẩm tôm đông lạnh do Minh Phú xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là đối tượng chịu thuế theo Lệnh thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ".
Lý do được CBP đưa ra là Minh Phú đã không cung cấp được đầy đủ bằng chứng như yêu cầu bởi CBP, để chứng minh được rằng công ty không sử dụng tôm có nguồn gốc từ Ấn Độ để xuất khẩu đi Hoa Kỳ. Vì vậy, CBP nhận định rằng Minh Phú đã vi phạm lệnh thuế chống bán phá giá đang áp trên tôm Ấn Độ.
Phản hồi về quyết định trên, Tập đoàn Minh Phú cho rằng, CBP đã "không dựa trên các bằng chứng thuyết phục". Doanh nghiệp được mệnh danh "vua tôm" của Việt Nam cho biết đã hợp tác toàn diện với cuộc điều tra, chứng minh rõ ràng cách xử lý và tách biệt tôm có xuất xứ Việt Nam và tôm có xuất xứ Ấn Độ trong dây chuyền sản xuất, để đảm bảo chỉ tôm Việt Nam mới được xuất đi Mỹ.
Theo thông cáo ngày 22/10 của công ty nêu, mặc dù Minh Phú đã chủ động hợp tác và có lời mời, CBP đã không sang Việt Nam và không thực hiện việc thẩm tra tại thực địa. Điều này dẫn đến việc nhận định chưa chính xác về hệ thống truy xuất tôm nhập khẩu và tôm nguyên liệu Việt Nam của Minh Phú.
Do "vua tôm" của Việt Nam không tuân theo phương pháp mà CBP yêu cầu, phía Mỹ áp dụng những dữ kiện theo công ty là bất lợi và kết luận Minh Phú đã vi phạm đạo luật EAPA. Doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam khẳng định, yêu cầu này của phía Mỹ không hoàn toàn phù hợp với đặc thù sản xuất của ngành tôm và cho hay chưa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm nào có hệ thống truy xuất như vậy.
Theo doanh nghiệp của vợ chồng doanh nhân Lê Văn Quang và Chu Thị Bình, CBP đã tự thiết lập một tiêu chuẩn đánh giá riêng về phương pháp phân tách tôm rồi buộc Minh Phú phải sử dụng công cụ này để truy xuất tôm nguyên liệu. Phía Mỹ đồng thời không chấp nhận phương pháp quản lý truy xuất nguồn gốc mà Minh Phú đã và đang sử dụng hơn 4 năm qua.
Cũng theo Minh Phú, ngay từ cuối tháng 7/2019, doanh nghiệp này đã ngừng hoàn toàn việc nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ. Hiện, bằng sự đầu tư mạnh mẽ của mình, Minh Phú đã áp dụng thành công và vận hành hiệu quả mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại 2 vùng nuôi của mình là: Minh Phú Kiên Giang (600ha) và Minh Phú Lộc An (300ha).
Từ những lý do trên, Minh Phú sẽ thực hiện quyền kháng cáo đối với quyết định này của CBP. Minh Phú tự tin sẽ giành lại ưu thế thuyết phục trong quá trình kháng cáo vì quyết định của CBP không dựa trên bất kỳ lập luận xác thực nào.
Trong trường hợp việc kháng cáo không mang lại kết quả như mong muốn, công ty sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Thương mại Quốc tế. Trong suốt quá trình chờ đợi kết quả của việc kháng cáo, Minh Phú sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo rằng phán quyết của CBP không gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh xuất khẩu của công ty vào Mỹ.
Minh Phú là doanh nghiệp sản xuất tôm lớn nhất cả nước về quy mô doanh thu. Năm 2020, công ty đặt mục tiêu doanh thu 15.200 tỷ và lợi nhuận sau thuế hơn 900 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm, "vua tôm" mới ghi nhận 3.800 tỷ doanh thu và 240 tỷ lợi nhuận.