Bị nát phần đầu xe do xe ô tô đỗ sát đường tàu, có được bồi thường bảo hiểm?

Theo chuyên gia, các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay không có điều khoản loại trừ bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật đối với người điều khiển xe ô tô.

Vừa qua ở Hà Nội, một chủ xe bất cẩn đã đỗ ô tô ngay sát đường tàu, xe ô tô bị tàu hỏa đâm vào gây hư hỏng nghiêm trọng phần đầu xe. Sự việc cũng nhận được nhiều sự bàn tán của cư dân mạng. Đặc biệt nhiều người đặt câu hỏi xe ô tô bị tàu hỏa đâm có được bảo hiểm bồi thường?

Nhiều ý kiến của cư dân mạng nhận định tổn thất xe ô tô sẽ không được bảo hiểm xe ô tô bồi thường, lý do là chủ xe đã đỗ xe vi phạm hành lang an toàn đường sắt, vi phạm Luật giao thông đường bộ và Luật đường sắt.

 Chiếc ô tô bị tàu hỏa đâm vào đầu biến dạng ở Hà Nội. Ảnh: MXH

Chiếc ô tô bị tàu hỏa đâm vào đầu biến dạng ở Hà Nội. Ảnh: MXH

Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Xuân, CEO Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair khẳng định, tổn thất của chủ xe chắc chắn thuộc trách nhiệm bảo hiểm và sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường.

“Hiện nay Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật khác liên quan không quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật”- ông Xuân nhấn mạnh.

Theo ông Xuân, hợp đồng bảo hiểm là thỏa thuận dân sự nên để xác định tổn thất của xe có được bảo hiểm bồi thường hay không phải căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm. Quy tắc bảo hiểm vật chất xe cơ giới của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay không có điều khoản loại trừ bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật, mà chỉ quy định các điểm loại trừ đối với các hành vi, tình huống cụ thể có mức độ rủi ro/nguy cơ tổn thất cụ thể mà không phân biệt hành vi đó của bên mua bảo hiểm có vi phạm pháp luật hay không.

“Để xác định tổn thất xe ô tô của chủ xe nói trên có được bảo hiểm xe ô tô bồi thường hay không cần xác định tổn thất này có thỏa mãn 2 điều kiện cần và đủ quy định trong quy tắc bảo hiểm”- ông Xuân nhấn mạnh.

Theo ông Xuân, trước hết, điều kiện cần là tổn thất xe ô tô của chủ xe phải do rủi ro được bảo hiểm gây ra, các rủi ro được bảo hiểm được quy định trong điều khoản phạm vi bảo hiểm của quy tắc bảo hiểm/hợp đồng bảo hiểm.

Điều kiện đủ là tổn thất của xe không nằm trong các điều khoản loại trừ được quy định trong điều khoản Phạm vi bảo hiểm của quy tắc bảo hiểm/hợp đồng bảo hiểm.

“Ví dụ đâm va là rủi ro được bảo hiểm, nhưng đâm va trong trong các trường hợp bị loại trừ như lái xe không có giấy phép lái xe, có cồn trong máu, xe không có giấy chứng nhận đăng kiểm còn hiệu lực, đi vào đường cấm… lại không được bảo hiểm”- vị CEO đưa ra ví dụ.

Cũng theo ông Xuân, trường hợp xe của chủ xe có mua bảo hiểm vật chất xe ô tô và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe ô tô đối với người thứ ba tại một công ty bảo hiểm. Quy tắc bảo hiểm xe ô tô của đơn vị này có bảo hiểm cho rủi ro đâm va và trong các điểm loại trừ của họ không loại trừ trường hợp lái xe vi phạm pháp luật, không loại trừ trường hợp xe đậu tại nơi cấm đỗ xe. Vì vậy, tổn thất xe ô tô của chủ xe sẽ được đơn vị bảo hiểm bồi thường.

“Để yêu cầu bồi thường, chủ xe có thể tham khảo hướng dẫn đòi bồi thường bảo hiểm xe ô tô của chúng tôi. Trường hợp đơn vị bảo hiểm từ chối bồi thường, chủ xe cần yêu cầu đơn vị này có văn bản từ chối trong đó dẫn chiếu điều khoản loại trừ với trường hợp xe ô tô bị tàu đâm va do đậu xe không đúng quy định, sau đó khiếu nại và khởi kiện ra tòa dân sự nếu chưa hợp lý”- ông Xuân cho hay.

Ông Xuân cũng nói thêm, chủ xe có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe ô tô đối với người thứ ba, nên nếu vụ va chạm này gây thiệt hại vật chất cho tàu và hàng hóa trên tàu, đường ray, chủ xe có quyền yêu cầu đơn vị bảo hiểm bồi thường trách nhiệm dân sự phát sinh theo quy định tại Nghị định số 67/2023 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới. Mức trách nhiệm tối đa 100 triệu đồng, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo luật định.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-nat-phan-dau-xe-do-xe-o-to-do-sat-duong-tau-co-duoc-boi-thuong-bao-hiem-post796018.html