Chở trẻ em trên xe phải có thiết bị an toàn
Theo một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống tai nạn thương tích, Đại học Y tế Công cộng, hiện mới chỉ có 1,3% xe ô tô có trang bị thiết bị an toàn cho trẻ em.
Ô tô ngày càng trở thành phương tiện thông dụng. Song, hiện vẫn rất ít gia đình chở con trên ô tô mà có kèm thiết bị bảo vệ an toàn cho trẻ. Thậm chí, nhiều trường hợp không thắt dây đai và khóa chốt an toàn cho con em. Nhiều người còn cho con tự mở cửa xuống xe ngoài đường. Những hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ thương tích nếu xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Do vậy, bảo vệ trẻ em khi đi ô tô là điều cần thiết.
Anh Nguyễn Hải Nam (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Trẻ con rất hiếu động, một là nghịch, hai là buồn ngủ. Nếu mà đi xa, phải có người lớn đi cùng".
Theo Luật Trật tự ATGT đã được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/1/2026, nhiều nội dung bảo vệ trẻ em khi lưu thông bằng ô tô sẽ được áp dụng. Đáng lưu ý trong đó là quy định trẻ em dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe chỉ có một hàng ghế. Người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em. Theo nhiều nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng đây là quy định rất cần thiết để góp phần bảo vệ trẻ khi ngồi trên ô tô tham gia giao thông.
Th.S Dương Kim Tuấn, PGĐ Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống tai nạn thương tích - Đại học Y tế công cộng, cho biết: "Vị trí đằng trước là vị trí chịu nhiều va đập nhất nếu xảy ra tai nạn nên làm gia tăng thương tích. Trường hợp không thắt dây an toàn, khi va đập, có thể bắn ra ngoài qua khu vực kính chắn gió. Trẻ em, nhất là dưới 10 tuổi thì hiếu động, chưa ý thức được việc ngồi yên, có thể ấn nút này nút kia nên tất cả có thể dẫn tới mất an toàn".
Cũng theo ông Dương Kim Tuấn, việc trẻ nhỏ ngồi ghế trước có thể khiến người lái mất tập trung khi phải chú ý tới con trẻ, nhất là với các bạn nhỏ hiếu động. Trong khi đó, chỉ có ghế sau mới có thiết kế để có thể gắn thêm các thiết bị bảo vệ an toàn cho trẻ em. Còn thiết kế dây đai, khóa chốt an toàn theo xe, chỉ phù hợp với người lớn.
Thiết bị an toàn cho trẻ nhỏ quan trọng là vậy. Nhưng theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống tai nạn thương tích, Đại học Y tế Công cộng, tại 3 thành phố Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, hiện chỉ mới có 1,3% ô tô được trang bị thiết bị an toàn cho trẻ nhỏ.
Ông Tạ Đức Giang - Phó Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông thành phố Hà Nội, cho hay: "Quy định có hiệu lực từ 1/1/2026, do vậy, khoảng thời gian đó rất cần thiết để đẩy mạnh truyền thông. Khi các gia đình nhận thức rõ điều quan trọng của các thiết bị bảo vệ trẻ em này, họ sẽ chủ động trang bị thiết bị để góp phần hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ trẻ em trên ô tô".
Còn hơn 1 năm nữa các quy định về bảo vệ an toàn cho trẻ em khi lưu thông bằng ô tô theo Luật Trật tự ATGT sẽ có hiệu lực. Nhưng để bảo vệ con em mình, ngay từ thời điểm này, mỗi gia đình có trẻ nhỏ cần chủ động sớm các biện pháp bảo vệ con nhỏ khi chở theo bằng ô tô, dần hình thành thói quen cho chính trẻ nhỏ về việc tuân thủ luật giao thông và bảo vệ mình.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cho-tre-em-tren-xe-phai-co-thiet-bi-an-toan-280829.htm