Bị 'ngâm' hoàn thuế VAT 1.000 tỉ đồng, doanh nghiệp gỗ kêu cứu

Các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng đã gặp khó khăn trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Lượng thuế chưa được hoàn tính đến nay đã khoảng 1.000 tỉ đồng. Một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 1-2022 đến nay, thời gian chậm hoàn thuế vượt xa so với quy định.

Một xưởng chế biến gỗ bóc. Ảnh minh họa: TTXVN

Một xưởng chế biến gỗ bóc. Ảnh minh họa: TTXVN

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) vừa gửi công văn đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ khó khăn trong việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng để hoàn thuế VAT.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, từ đầu 2022 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng, đặc biệt các doanh nghiệp có sử dụng lượng cung gỗ rừng trồng lớn, như doanh nghiệp dăm, ván bóc/ván ép, viên nén đều bị vướng mắc ở khâu hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo ước tính, lượng thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã khoảng 1.000 tỉ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp hiện chưa được hoàn thuế.

Có doanh nghiệp có số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp từ 40-50 tỉ đồng. Theo quy định hiện nay, thời gian hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp.

Tuy nhiên thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không được hoàn thuế từ tháng 4 và 5-2022 đến nay, một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 1-2022. Thời gian chậm hoàn thuế vượt xa so với quy định hiện hành.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT như hiện nay là do hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại các công văn số 429/TCT- TTKT ngày 22-2-2021, số 2124/TCT-TTKT ngày 22-5-2020, số 2928/TCT-TTKT ngày 22-7-2020 và số 4569/TCT-TTKT ngày 27-10-2020. Việc xác minh theo các quy định này của Tổng cục Thuế lại không nhất quán với Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xác minh nguồn gốc lâm sản.

Do coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.

Cơ quan thuế đang thực hiện việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu tới tận chủ rừng, bao gồm việc yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm địa bàn hoặc UBND xã xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản.

Trong nhiều trường hợp với chuỗi cung có nhiều khâu trung gian, việc xác minh chi tiết tới từng đơn vị chủ rừng là điều không thể thực hiện.

Để giải quyết tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT hiện nay, nhằm tránh nguy cơ đóng cửa đối với hàng trăm doanh nghiệp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính như cần có sự thống nhất giữa hai bộ để hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các yêu cầu có liên quan tới việc xác định nguồn gốc gỗ và hồ sơ lâm sản trong quá trình hoàn thuế.

Hiệp hội cũng đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm giải quyết việc hoàn thuế VAT đối với các doanh nghiệp đã có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định nhưng hiện tại chưa được giải quyết.

Theo TTXVN, VIFOREST

N.Tân

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bi-ngam-hoan-thue-vat-1-000-ti-dong-doanh-nghiep-go-keu-cuu/