Bị nghi là nguồn lây nhiễm, bác sỹ Vũ Hán vẫn cố điều trị cho bệnh nhân

Mệt mỏi vì lượng công việc quá tải, làm việc trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị y tế là điều mà nhiều bác sỹ tại các bệnh viện ở Vũ Hán, tâm dịch viêm phổi cấp phải đối mặt vài tuần qua.

Khi các ca bệnh mới tại Vũ Hán vẫn tăng mỗi ngày, các bác sỹ đang phải vắt kiệt sức lực của mình. Nhiều người gặp bệnh nhân dù không thể kiếm được những chiếc khẩu trang hay các bộ đồ bảo hộ đủ tiêu chuẩn. Một số người dùng lại những thứ mà họ đáng ra phải thay đổi thường xuyên.

Đại đa số phải mặc tã vì không có thời gian đi vệ sinh trong lúc điều trị cho bệnh nhân. Một bác sỹ tại Bệnh viện y dược Tongji nói anh mặc một bộ đồ bảo hộ trong suốt 1 ca trực 10 tiếng do tình trạng thiếu thốn. Đồ bảo hộ cần phải thay mới mỗi khi ra vào khu cách ly.

Một bác sỹ tại một phòng khám ở Vũ Hán cho biết ông và 16 đồng nghiệp đang có các triệu chứng của bệnh viêm phổi cấp.

Một bác sỹ khử trùng ở bên ngoài một trung tâm y tế ở Vũ Hán. (Ảnh: Reuters)

Một bác sỹ khử trùng ở bên ngoài một trung tâm y tế ở Vũ Hán. (Ảnh: Reuters)

"Là bác sỹ, chúng tôi không muốn làm việc khi bị nghi là nguồn lây nhiễm. Nhưng hiện tại, không ai thay thế chúng tôi. Điều gì sẽ xảy ra nếu không ai làm việc ở tuyến đầu", ông này nói.

Khoảng 44% trong số 64.600 ca nhiễm Covid-19 trên toàn Trung Quốc được ghi nhận tại Vũ Hán, cũng là nơi phát tán virus Covid-19.

Những rủi ro mà các nhân viên y tế đang phải đối mặt càng được nhấn mạnh sau khi Lý Văn Lượng, một trong các bác sỹ đầu tiên cảnh báo về virus corona qua đời sau hơn 1 tháng nhiễm bệnh.

Phó Thị trưởng Vũ Hán hôm 14/2 thừa nhận thành phố đang phải đối mặt với tình trạng thiếu 56.000 khẩu trang N95 và 41.000 bộ đồ bảo hộ mỗi ngày.

"Nhân viên y tế khi mặc đồ bảo hộ phải mặc tã, hạn chế uống nước và giảm số lần sử dụng nhà vệ sinh, một số mặc nguyên quần áo bảo hộ trong 6 hoặc 9 giờ trong khi họ không nên mặc quá 4 giờ trong khu cách ly", bà Jiao Yahui, một quan chức hàng đầu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết.

Theo bà Jiao, không ai ủng hộ cách làm này nhưng các nhân viên y tế thực sự không có cách nào.

Chính phủ Trung Quốc đang kêu gọi các nhà máy tăng cường sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ. Từ đầu tuần, 3/4 các nhà máy sản xuất các thiết bị y tế này bắt đầu công việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên kéo dài.

Một quan chức Trung Quốc tuần trước cho biết Bắc Kinh phải nhập khẩu hơn 300 triệu khẩu trang và 3,9 bộ đồ bảo hộ kể từ 24/1.

Hiệp hội Chữ thập đỏ Trung Quốc cũng tiếp nhận hơn 900 triệu NDT tiền quyên góp cho dịch bệnh.

"Ngay cả khi chúng tôi nhận được nhiều khẩu trang hơn, số lượng bệnh nhân thậm chí còn tăng nhanh hơn. Mỗi y tá hoặc bác sỹ phải sử dụng 2-4 chiếc khẩu trang một ngày. Việc tiêu thụ khẩu trang trong bệnh viện rất lớn nhưng luôn bị thiếu hụt ", một bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Vũ Hán cho biết.

Nhiều bác sỹ phải dùng tạm những bộ đồ bảo hộ không đủ tiêu chuẩn, thậm chí còn bị rách ngay khi vừa mặc lên người nhưng với họ, có còn hơn không.

Xu Yuan, 34 tuổi, người quyên góp 5.000 USD hỗ trợ mua các thiết bị bảo hộ cho các bạn học cũ đang làm việc tại Vũ Hán cho biết một trong những người bạn của cô phải tiếp nhận 400 bệnh nhân trong vòng 8 giờ.

Một số bệnh viện phải tiến hành theo dõi tâm lý với các bác sỹ khi mà họ đang phải chịu quá nhiều áp lực.

Một bác sĩ tại phòng khám ở Vũ Hán cho biết mỗi ngày anh nhận được rất nhiều cuộc điện thoại kêu cứu của người dân.

"Bạn có thể nghe thấy họ gọi điện đến bệnh viện nhờ giúp đỡ nhưng chúng tôi cũng bất lực, không thể làm gì hơn", anh này cho hay.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/bi-nghi-la-nguon-lay-nhiem-bac-sy-vu-han-van-phai-co-dieu-tri-cho-benh-nhan-ar527697.html