Bị 'ngó lơ', danh thắng Ba Làng An khó cứu vãn
Tuần qua, giới bảo tồn vui mừng trước việc công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương (Hà Nội). Đồng thời cũng không khỏi xót xa trước cảnh tan hoang của di sản danh thắng Ba Làng An (Quảng Ngãi).
Danh thắng Ba Làng An (thôn Phú Quý xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có kết cấu địa chất độc đáo với quần thể đá bazan, đất đá ong và vết tích nham thạch núi lửa phun trào.
Có 3 mũi đá nhô ra biển, được hình thành trên núi đá lửa có tuổi khoảng 1 triệu năm. Với cảnh quan kỳ thú, danh thắng này có giá trị địa mạo phục vụ nghiên cứu khoa học và nhu cầu du lịch văn hóa.
Năm 1993, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định về việc bảo vệ Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh Ba Làng An. Trong đó nêu rõ: Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng nhà cửa, sản xuất và các hành động có tính chất xâm phạm phá hoại đến khu vực bảo vệ của di tích. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng đất đai ở các di tích trên phải được phép của chủ tịch UBND tỉnh.
Trong vài năm trở lại đây, di sản danh thắng Ba Làng An bị xâm lấn và tàn phá nghiêm trọng. Một số hộ dân phá núi, rừng phòng hộ để mở các hàng quán phục vụ dịch vụ ăn uống.
Những tuyến đường, kè bê tông, cốt thép được xây dựng xâm lấn, vùi lấp các lớp đá trầm tích núi lửa. Thậm chí, mặc dù các hộ xây dựng trái phép đã từng bị xử phạt, nhưng người dân tiếp tục xâm lấn xây dựng rộng hơn.
Tháng 7/2020, sau khi dư luận lên tiếng, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn hỏa tốc yêu cầu kiểm tra xử lý dứt điểm. UBND huyện Bình Sơn tổ chức kiểm tra, xử lý các hộ dân tự ý lấn chiếm, xâm hại danh thắng để xây kè, mở hàng quán, làm dịch vụ tại đây. Tuy nhiên, tình trạng không những không được khắc phục, mà còn tiếp diễn với mức độ nghiêm trọng.
Tại cuộc họp báo quý II/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nêu rõ, để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của UBND xã Bình Châu.
Cấp xã có lỗi đã đành, cấp huyện và cấp tỉnh ở đâu khi sự việc đã diễn ra rất nghiêm trọng? Từ sau công văn hỏa tốc vào tháng 7/2020, chẳng lẽ xã không báo cáo huyện, huyện không báo cáo tỉnh?
Để xảy ra cơ sự nghiêm trọng, danh thắng Ba Làng An khó cứu vãn. Nếu có “cứu” được, thì vẻ hoang sơ ban đầu đã không còn. Giá trị danh thắng và giá trị di sản đã giảm sút rất nhiều.
Công nhận di tích để rồi không bảo vệ được, là câu chuyện rất cũ ở nước ta. Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa cũng phải thu hồi một số quyết định công nhận xếp hạng di tích – vì tình trạng xâm hại.
Mục đích cao nhất của việc công nhận di tích là để bảo vệ và bảo tồn. Thế nhưng, nếu cứ công nhận rồi “ngó lơ”, đến khi bị tàn phá mới vào cuộc xử lý. Đó là một căn bệnh rất lạ của cơ quan quản lý, mà người ta gọi là thiếu trách nhiệm hoặc vô trách nhiệm.
Rồi đây, với di sản danh thắng Ba Làng An – ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho những tan hoang ấy? Cấp xã thì đã quá rõ, còn cấp huyện, cấp tỉnh thì sao? Liệu có tái diễn câu nói xưa cũ “thí tốt chốt quan”?
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bi-ngo-lo-danh-thang-ba-lang-an-kho-cuu-van-post601260.html