Bị nhiều chỉ trích, Trung Quốc thu hẹp Vành đai Con đường
Số liệu cho thấy Bắc Kinh có thể đang tính toán lại về sáng kiến Vành đai Con đường.
Trung Quốc đang giảm mạnh chương trình cho nước ngoài vay tiền từ 2 ngân hàng thuộc sáng kiến Vành đai Con đường, sau gần 1 thập kỷ tăng trưởng tham vọng và thách thức cả Ngân hàng Thế giới, FT dẫn nghiên cứu mới cho biết.
Lượng tiền cho vay của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc giảm mạnh từ đỉnh cao 75 tỷ USD năm 2016 xuống 4 tỷ USD trong năm 2019, theo số liệu được các nhà nghiên cứu tại ĐH Boston (Mỹ) tổng hợp.
Sự sụt giảm này diễn ra khi Bắc Kinh đang nghĩ lại về sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), một chương trình mang tính dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm rót tiền cho các dự án xây đường bộ, đường sắt, cảng biển và những dự án hạ tầng khác chủ yếu ở các nước đang phát triển.
BRI đang gặp nhiều chỉ trích trên khắp thế giới vì nhiều khía cạnh, như cho các nước thu nhập thấp vay vốn với lãi suất cao, thiếu minh bạch hay đánh giá tác động môi trường và xã hội.
Kevin Gallagher, giám đốc Trung tâm Phát triển toàn cầu thuộc ĐH Boston, nơi tổng hợp và phân tích dữ liệu, nói rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng là một nhân tố gây suy giảm mạnh. “Trong các năm 2018 và 2019 có quá nhiều bất định vì cuộc chiến thương mại với Mỹ, nên Trung Quốc có thể muốn giữ tài sản ở trong nước”, ông Gallagher nói.
Theo báo cáo gần đây của Viện Phát triển nước ngoài (ODI), một cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc, Bắc Kinh giờ nhận ra rằng cách cho vay của họ không bền vững.
“Trong mô hình cũ, lợi ích của các công ty Trung Quốc và nhóm tinh hoa địa phương được ưu tiên hơn lợi ích của nước vay tiền, trong khi nước vay tiền phải gánh rủi ro lớn nếu dự án thất bại, và tình hình càng kém bền vững khi năng lực trả nợ và xử lý rủi ro của các nước tiếp nhận bị suy giảm”, báo cáo của ODI viết.
Trung Quốc có 3 ngân hàng chính sách chuyên cho vay đầu tư phát triển hạ tầng ở trong vào ngoài nước, trong đó có 2 ngân hàng được nghiên cứu của ĐH Boston khảo sát, gồm CDB và EIBC, cùng với Ngân hàng Phát triển nông nghiệp. Ba ngân hàng này có thể cho vay ở nước ngoài với điều khoản ưu đãi nhưng thông thường cho vay với lãi xuất gần bằng lãi thương mại.
Theo số liệu tổng hợp của ĐH Boston, CDB và EIBC cho vay tổng số 462 tỷ USD từ năm 2018-2019, gần bằng mức 467 tỷ USD mà Ngân hàng Thế giới cho các nước thu nhập thấp và trung bình vay trong cùng thời gian.
Nhưng các tiêu chuẩn quản trị yếu khiến các dự án BRI gặp nhiều bê bối và bị các nước vay kêu ca.
Một ví dụ là trường hợp của Pakistan, một trong những nước vay theo BRI nhiều nhất. Pakistan cáo buộc các công ty Trung Quốc thổi chi phí dự án lên hàng tỷ đô la nên muốn đàm phán lại các điều khoản trả nợ. Islambamabad cáo buộc các công ty Trung Quốc và đối tác địa phương gian lận và thổi giá. Nhiều dự án lớn ở Malaysia liên quan đến BRI cũng gây tranh cãi.
Yu Jie, một nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Chatham House, một tổ chức nghiên cứu ở Anh, nói rằng các doanh nghiệp và ngân hàng nhà nước của Trung Quốc đang chuyển nguồn lực về trong nước thay vì các dự án ở nước ngoài. Các chính sách kinh tế của Bắc Kinh gần đây thay đổi, từ chú trọng tăng trưởng xuất khẩu sang đầu tư và tiêu dùng trong nước.
“Trước đây, họ thiên về sử dụng nguồn lực tài chính để mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc. Giờ họ chú trọng hơn đến lợi ích thương mại”, bà Yu nói.
Nhà nghiên cứu này nói rằng Trung Quốc đang đối mặt với “tổn thất danh tiếng rất lớn” từ BRI. “Bản chất của dự án khiến thế giới cảm thấy báo động và chính phủ Trung Quốc không đưa ra được một kế hoạch minh bạch và giải thích ngoại giao nợ”, bà Yu nói.
Bà cho biết dư luận Trung Quốc cũng không ủng hộ hoạt động cho vay ở nước ngoài, trong giới làm luật cũng như dư luận trong nước cho rằng Trung Quốc cần đầu tư hơn vào các dịch vụ y tế, sau khi hệ thống này bộc lộ nhiều yếu kém trong đại dịch COVID-19.
Tiền cho vay của Trung Quốc chỉ tập trung vào một nhóm quốc gia, với 10 nước chiếm đến 60% tổng tiền cho vay của Trung Quốc ra bên ngoài, theo phân tích của ĐH Boston. Venezuela là nước vay nhiều nhất, chiếm hơn 12,5%, sau đó là Pakistan, Nga và Angola.
Các dự án được cho vay chủ yếu thuộc lĩnh vực vận tải và hạ tầng, khai mỏ và dầu, sản xuất và truyền tải điện.