Bị ông trùm Hưng 'kính' chèn ép, tiểu thương chợ Long Biên từng định tự tử
Hưng 'kính' cử đàn em uy hiếp, bắt phải nộp tiền phí bốc dỡ gây áp lực cho tiểu thương chợ Long Biên.
Sáng 25/7, phiên tòa xét xử Hưng "kính" và đồng bọn bảo kê chợ Long Biên, Hà Nội được mở lại sau lần tạm hoãn từ phiên xét xử ngày 11/7.
Tại phiên tòa hôm nay, Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính”, SN 1963, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cùng 4 bị cáo khác gồm Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói”, SN 1970), Lê Thanh Hải (Hải “gió”, SN 1963), Nguyễn Mạnh Long (Long “cao”, SN 1962) và Dương Quốc Vương (Vương “lợn”, SN 1968) đều có mặt.
Sau phần công bố cáo trạng vụ án của đại diện Viện kiểm sát, Chủ tọa phiên xét xử, thẩm phán Mai Văn Quang bắt đầu xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Long. Bị cáo Long thừa nhận với những hành vi đã làm được nêu trong cáo trạng và bị truy tố về tội “cưỡng đoạt tài sản” là “đúng người đúng tội”. Tuy nhiên, những lời khai của bị cáo về công việc thu tiền bốc dỡ tại chợ khác với lời khai tại cơ quan điều tra.
Chị Nghiêm Thúy Nga (SN 1981) và chồng là anh Hoàng Anh Hà (SN 1972, cùng trú tại Ba Đình) kinh doanh hoa quả tại chợ Long Biên là bị hại trong vụ án.
Tại tòa, chị Nghiêm Thúy Nga khẳng định lời khai của bị cáo Long là hoàn toàn không đúng sự thật. Trong suốt quá trình kinh doanh tại chợ với mặt hàng hoa quả, hai vợ chồng chị chưa hề thuê nhân viên của Tổ Bốc xếp số 2 do Hưng “kính” làm Tổ trưởng. Tuy nhiên, vẫn có các nhân viên của Tổ nhảy lên xe hàng hoặc cho Cường “nghiện” uy hiếp, bắt phải nộp tiền phí bốc dỡ. Bị cáo Lê Thanh Hải đã nhiều lần chửi rủa, xỉ vả chị ngay tại chợ. Áp lực mà các bị cáo gây ra lớn đến mức chị đã có lần định tự tử nhưng được chồng kịp thời ngăn chặn.
Anh Hoàng Anh Hà cũng khai do mặt hàng hoa quả khi đưa về chợ là phải có chỗ bốc dỡ, nếu không sẽ mất tươi nên các bị cáo đã nhằm trúng vào thời gian này để gây nhiều khó khăn, buộc hộ kinh doanh của anh chị phải đáp ứng các yêu cầu.
“Bị cáo Hưng từng tuyên bố sẽ “tiêu diệt tôi, cho tôi ra khỏi chợ. Vợ chồng tôi nộp tiền để yên ổn làm ăn”, chị Nga nói về nguyên nhân vì sao phải nhiều lần đưa tiền cho các bị cáo.
Chị Đoàn Thị Miền, nhân chứng trong vụ án khai mình là nhân viên của chị Nga, anh Hà với công việc được giao là đi thu nợ tiền hàng và thanh toán chi phí phát sinh trong ngày. Chị thừa nhận các nhân viên trong Tổ Bốc xếp của Hưng không hề thực hiện việc dỡ hàng hóa nhưng vẫn thu tiền “bãi”, tiền “hạ”. “Nếu không nộp tiền thì ngày mai xe hàng không có chỗ đỗ”, chị Miền nói.